Văn hóa, du lịch

Giúp con yêu đọc, học vạn điều hay

Thứ năm, 25/6/2020 | 09:59 GMT+7
"Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách".

Có lẽ các bố mẹ hiện đại ngày nay đều đã ý thức được tầm quan trọng của việc gieo hạt giống yêu sách cho các con. Đối với các bạn nhỏ, dạy con qua những vần thơ, câu chuyện ẩn dụ là cách nhẹ nhàng mà tinh tế, tác động vào tiềm thức và thẩm thấu đến từng tế bào, tô đẹp thêm tâm hồn con trẻ. Con sẽ được học những bài học vô cùng giá trị, ý nghĩa một cách tự nhiên mà hào hứng, không phải là những câu mệnh lệnh, lời triết lý sâu xa của bố mẹ, mà qua cách ứng xử, qua những hành động, lời nói của các nhân vật đáng yêu trong sách, truyện.

Là người yêu đọc sách, một người mẹ ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách và sự cần thiết phải vun đắp tình yêu sách cho con ngay từ những năm tháng đầu đời, chị Lê Thị Thu Trang (Trang Mon - Mẹ Bách Thóc) đã ngày đêm mày mò, tìm tòi những đầu sách hay cho con, những cách để con coi sách như một người bạn ngay từ những ngày còn thơ ấu.

Vốn là một giảng viên đại học chuyên ngành Tài chính nhưng từ khi có con, chị lại có đam mê đặc biệt với những vần thơ, trang sách cho trẻ nhỏ, những bộ học liệu giúp con phát triển tư duy. Tình yêu ấy đã giúp chị sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo và hữu ích cho con cũng như bao bạn nhỏ. Một trong số những tác phẩm của chị Trang phải kể đến tuyển tập Truyện thơ tiềm thức Bé kể mẹ nghe – một cuốn sách với cách tiếp cận khá độc đáo, được các bạn nhỏ và phụ huynh khắp mọi miền Tổ quốc nồng nhiệt đón nhận. Trong hơn 2 năm qua, cuốn sách đã xuất bản hơn 17.000 bản và đã có mặt ở một số quốc gia trên thế giới.

Chị Trang Mon và những tác phẩm của mình

Chia sẻ về cuốn sách, chị Trang tâm sự: “Ban đầu Trang mày mò làm sách cho con, sau đó nhiều mẹ thích quá đặt in chung, rồi dần dần lan tỏa rộng. Điều độc đáo của cuốn sách là nó tác động trực tiếp vào tiềm thức của các con, tiềm thức luôn thích những gì đẹp đẽ, thích màu sắc, thích âm thanh, hình ảnh sinh động... Với cách trình bày mới lạ; một số danh từ, động từ, tính từ được thay thế trực tiếp bằng hình ảnh xen kẽ với các con chữ giúp các con thêm hứng thú mỗi khi đọc sách, kích thích não bộ, trí tưởng tượng, tăng khả năng sáng tạo, rèn luyện trí nhớ và hình thành nhân cách tốt...”.

“Bé kể mẹ nghe” gồm nhiều bài thơ và câu chuyện tiềm thức xung quanh các chủ đề: thời gian biểu hàng ngày của bé, cách cư xử, giúp đỡ cha mẹ, bạn bè, vâng lời người lớn... Với cuốn sách này mẹ chỉ cần đọc 1, 2 lần, những lần sau bé sẽ tự kể/đọc thơ lại được và còn sáng tạo hơn mẹ nữa, mẹ con cùng rút ra các bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc cho bé. Vì là cuốn sách con có thể dùng từ 0 đến 6 tuổi, nên tiêu chí bền đẹp được đặt lên hàng đầu, sách được in giấy ảnh cứng, ép plastic gáy lò xo không ướt không rách. Nhiều mẹ còn nói vui: đây là cuốn sách “Anh truyền em nối” vì dùng hoài, dùng mãi mà chẳng hỏng được! Với giọng đọc truyền cảm của mình, chị Trang còn ghi âm toàn bộ nội dung cuốn sách và rất nhiều bài thơ câu chuyện khác nữa để gửi tặng các phụ huynh cho con nghe mỗi ngày.

Tuyển tập thơ và truyện mang nội dung đầy tính giáo dục, cách trình bày độc đáo mới lạ

Là một người thích những hoạt động cộng đồng, chị Trang thường xuyên tham gia các hoạt động lan tỏa tình yêu đọc sách, đặc biệt đối với các bạn nhỏ. Lúc thì là đọc ở thư viện, khi thì một trường mầm non nào đó, hoặc là những bệnh viện nơi có các bệnh nhi khát khao được đọc sách.

Bên cạnh việc dạy học tại trường Đại học, chị Trang cũng thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo kỹ năng đọc sách và truyền cảm hứng đọc sách, tình yêu sách cho cha mẹ và các bạn nhỏ, các lớp đào tạo kỹ năng mềm cho người lớn và trẻ em như: Nghệ thuật chinh phục giọng nói để có giọng nói hay; kỹ năng giao tiếp, thuyết trình…

Chị tâm sự: “Một bức tranh tôi luôn vẽ trong tâm trí mình, đó là hình ảnh tôi được ngồi giữa núi rừng mênh mông để đọc sách cho các em nhỏ ở bản làng xa xôi. Tôi muốn đi khắp đất nước để xây dựng những thư viện xã hội cho trẻ em, đặc biệt vùng sâu vùng xa, những miền quê nghèo trẻ em không có điều kiện mua sách, đọc sách”.

PV