Sắc màu cuộc sống

Gọi vốn cho tăng trưởng xanh

Thứ sáu, 10/8/2018 | 10:57 GMT+7
Trong quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh từ nay đến 2030, ngành ngân hàng đang thể hiện vai trò hướng các dòng vốn vào hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững, áp dụng các nguyên tắc quản trị rủi ro môi trường và xã hội chặt chẽ hơn trong hoạt động cấp tín dụng.

Quy mô tín dụng xanh tăng

TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) cho biết, mặc dù, quy mô tín dụng xanh còn khiêm tốn, chỉ chiếm 1.6% - 1.7% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế, nhưng đang tăng trưởng rất nhanh với tốc độ tăng trưởng đạt 14.7% và 29.4%. Đây là thành quả của của việc các ngân hàng đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ xanh trong những năm gần đây, đặc biệt là áp dụng các tiêu chuẩn môi trường khi duyệt vốn vay, cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án giảm các bon, dự án về năng lượng tái tạo… Hiện, khoảng 20 ngân hàng đã có báo cáo tài chính xanh và đánh giá rủi ro liên quan.

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, để tài trợ cho Chiến lược Tăng trưởng xanh đến năm 2020, Việt Nam cần ít nhất 30,7 tỷ USD, tương đương 15% GDP của Việt Nam (năm 2015). Trong bối cảnh vốn từ ngân sách Nhà nước cũng như từ bên ngoài còn hạn chế, khu vực tư nhân được coi là nhà đầu tư chính nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn tới. Đây đồng thời là “cơ hội vàng” để phát triển hệ thống “ngân hàng xanh”, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế quốc gia sang mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, giảm thải các bon và bền vững.

TS. Michael Krakowski, Giám đốc Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh GIZ cho rằng, việc sử dụng khung chính sách tài chính xanh tích hợp, kết hợp với các sản phẩm và công cụ tài chính xanh để xanh dựng các chương trình tín dụng xanh quốc gia, các đề án trái phiếu xanh, chỉ số xanh sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh một cách rộng khắp, toàn diện và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững.

Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững, Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu khi đã triển khai những cải cách quy mô lớn, ban hành các chính sách và quy định căn bản để tăng cường tài chính bền vững và bắt đầu có cơ chế đo lường kết quả thực hiện.

Khuyến khích ngân hàng xanh hóa

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), định hướng phát triển ngân hàng xanh của Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu, đến năm 2025, 100% ngân hàng có quy định nội bộ về quản trị rủi ro môi trường - xã hội và thực hiện đánh giá, kiểm định theo tiêu chuẩn xanh và 60% ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn xanh và cho vay xanh.

Để tăng dần tỷ trọng vốn cho tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước chủ trương tiếp cận các Quỹ Quốc tế bảo vệ môi trường GCF cho các mảng xanh như: Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, xử lý rác thải, nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Hiện nay, GCF đã tài trợ không hoàn lại hơn 75 triệu USD cho Việt Nam nhằm chia sẻ rủi ro với các ngân hàng khi cho vay các khoản liên quan đến sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.

Khuyến nghị về phát triển tài chính xanh bền vững, TS. Phạm Hoàng Mai cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục lồng ghép và ban hành khung chính sách về tài chính xanh, khuyến khích các ngân hàng cho vay ưu đãi đối với các dự án xanh; thường xuyên huy động các chương trình tài chính xanh quốc tế.

Bên cạnh đó, các định chế tài tổ chức tín dụng, ngân hàng cần được khuyến khích và có nghĩa vụ thiết lập các chính sách nội bộ về ngân hàng xanh, tín dụng xanh, các chính sách về quản trị rủi ro và đặc biệt là báo cáo định kỳ theo Chỉ thị 03/CT-NHNN, hỗ trợ phát hành trái phiếu xanh, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tài trợ các dự án xanh.

Ngày 7/8, tại Hà Nội, Nhóm Sáng kiến Tài chính Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP Fl) đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam giới thiệu cuốn “Sổ tay hướng dẫn về Ngân hàng và Phát triển bền vững”. Qua đó, giúp các bên liên quan nhận định các cơ hội và rủi ro, những hỗ trợ cần thiết khi hướng các ngồn vốn vào tăng trưởng xanh.

Theo báo Tài nguyên và Môi trường