Đời sống, xã hội

Hà Nội có 727 chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn

Thứ tư, 28/8/2019 | 13:10 GMT+7
Thực tế hiện nay, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, kết nối cung cầu vẫn là hạn chế của phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng. Góp phần giảm bớt những hạn chế này, thời gian qua, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm đảm bảo an toàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. 

Sau 4 năm triển khai chương trình, đến nay Hà Nội đã có 727 chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn (tăng 184 chuỗi, 34% so với năm 2018). Chương trình này thực hiện theo Quyết định 1791/QĐ-BNN-QLCL ngày 19/5/2015 của Bộ NN&PTNT về Chương trình Phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội.

Bên cạnh đó, toàn thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa), gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai), nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai)… Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã cấp 8 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Để tạo thuận lợi trong tiêu thụ, từ đầu năm đến nay, Hà Nội hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại nhiều hội chợ trong nước như: hội chợ Nông nghiệp - Thương mại vùng Trung du miền núi phía Bắc tổ chức tại Thái Nguyên; hội chợ nông đặc sản vùng miền, tuần lễ cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn tại Hà Nội… Cùng với đó là các hoạt động ứng dụng công nghệ, áp dụng tem điện tử thông minh QRcode truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; tạo niềm tin của người tiêu dùng với hàng hóa trong nước sản xuất.

Mặc dù vậy, nhiều năm qua, việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, kết nối cung cầu vẫn là hạn chế của phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Hoạt động xúc tiến thị trường, bán hàng còn yếu; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn thiếu vốn, quy trình sản xuất chưa hợp lý. Bên cạnh đó, những hạn chế trong xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGAP, hữu cơ với doanh nghiệp theo từng ngành hàng còn nhiều khó khăn, nên sản xuất chưa đồng bộ, không thuận lợi. 

Đặc biệt cơ chế, chính sách trong xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể; lợi nhuận phân phối chưa công bằng giữa các tác nhân trong chuỗi. Trong đó, người kinh doanh bán buôn, bán lẻ nhận được nhiều lợi nhuận hơn so với người sản xuất; kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt cá an toàn còn ít, khó mở rộng, khó duy trì mô hình sản xuất an toàn.

Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhìn nhận: "Việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn với các tỉnh, thành phố vẫn còn nhiều tồn tại. Triển khai mô hình liên kết sản xuất còn nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, công tác dự báo thị trường tiêu thụ, tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào ra giữa các tỉnh về Hà Nội và ngược lại còn chưa theo kịp với tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn…".

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho rằng: "Đẩy mạnh liên kết chuỗi nông sản an toàn, phát triển thị trường trong nước cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thì hàng hóa nông sản sẽ phải sản xuất theo tiêu chuẩn. Đây là yêu cầu mấu chốt để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng, an toàn, sau đó mới tính đến việc truyền thông, quảng bá để "ngấm sâu" vào thói quen của người tiêu dùng".

Theo PNVN