Năng lượng tái tạo

Hà Nội phát triển điện rác

Thứ tư, 2/5/2018 | 14:13 GMT+7
Hàng loạt các dự án đốt rác phát điện tại Hà Nội được khởi động thời gian gần đây khẳng định định hướng phát triển ngành năng lượng mới tại Thủ đô.

Cuối tháng 9/2017 Tập đoàn T & T Group (T&T Group) ký thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Hàn Quốc đối với dự án “Thu hồi khí GAS bãi chôn lấp phát điện Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội”. 

Đây là một dự án được đánh giá rất cao về ý nghĩa và tính khả thi trong việc tái sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên năng lượng điện, có tính định hướng dẫn đầu cho việc quản lý các cơ sở xử lý chất thải khác tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư phía Việt Nam gồm có: Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T - T&T GROUP  và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội – URENCO. Các đối tác phía Hàn Quốc là những đơn vị uy tín hàng đầu trong công nghệ xử lý rác thải và xây lắp, gồm: Tập đoàn Quản lý Bãi chôn lấp SUDOKWON; Công ty tư vấn kỹ thuật Hàn Quốc – KECC và Công ty TNHH Nhà máy Samyoung.

Nhà máy phát điện Nam Sơn Hà Nội.

Lãnh đạo Tập đoàn T&T cho biết: Thông qua buổi lễ ký kết này các Bên sẽ cùng nhau hợp tác để phát triển dự án “Thu hồi khí gas bãi chôn lấp phát điện tại Sóc Sơn, Hà Nội của Việt Nam”. Để triển khai dự án, các Bên sẽ thành lập Nhà máy sản xuất Điện trên cơ sở cùng nhau thiết kế, xây dựng, huy động tài chính và vận hành.Dự kiến nhà máy được thành lập sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi có tổng công suất 5MW.

Cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn T&T Group (T&T Group) và đối tác Nhật Bản là Tập đoàn Hitachi Zosen đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Đầu tư các dự án đốt rác phát điện tại Hà Nội”.

Theo đó, T&T Group và Hitachi Zosen sẽ thành lập liên danh - tổ hợp nhà đầu tư để cùng nhau phát triển các dự án phát điện từ chất thải tại một số khu xử lý chất thải rắn ở Hà Nội. Các dự án này được đánh giá rất cao về ý nghĩa và tính khả thi trong việc tái sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên năng lượng điện; một trong những bước tiến quan trọng của nỗ lực bảo vệ môi trường, tái chế chất thải cho mục đích phát triển bền vững. Theo lãnh đạo Tập đoàn T&T, để triển khai dự án, các bên sẽ thực hiện lên thiết kế, xây dựng, huy động tài chính và vận hành một số nhà máy xử lý chất thải với công suất 1.000 tấn/ngày (2 tổ máy 500 tấn/ngày) mỗi nhà máy.

Chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đang và sẽ tăng lên phù hợp với xu hướng của thế giới, trong những năm gần đây động lực tăng trưởng của nó là từ các nước đã phát triển và đang dần được chú trọng hơn ở các nước đang phát triển. Chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, như năng lượng sạch và có giá trị hợp lý, công việc phù hợp và tăng trưởng kinh tế, các thành phố và cộng đồng bền vững cũng như hoạt động bảo vệ khí hậu. 

Biến chất thải rắn thành nguồn năng lượng là mục tiêu của Thủ đô.

Với dân số hơn 93 triệu người, hàng năm lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn, trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Riêng tại TP Hà Nội, trung bình có gần 10.000 tấn chất thải rắn được chôn lấp mỗi ngày.Đây là nguồn tài nguyên đang bị lãng phí mà Việt Nam chưa tận dụng hết cho sản xuất năng lượng. Việc xử lý hiệu quả chất thải rắn cho sản xuất điện năng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đóng góp vào việc sử dụng đất hiệu quả và phát triển kinh tế tại Việt Nam theo hướng “xanh” và bền vững.

Thực tế cho thấy, hiện nay việc sản xuất năng lượng từ chất thải hiện đang trở thành một giải pháp hữu hiệu trên thế giới cũng như tại Việt nam để giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần vào sản xuất năng lượng bền vững cho quốc gia. Chính phủ hiện cũng đã có hẳn cơ chế khuyến khích các dự án phát điện từ rác. Bao nhiêu điện làm từ rác thải đều được mua hết.

Theo nhiều nhà chuyên môn, ở các bãi chôn lấp rác phát sinh một lượng khí metan (CH4) khổng lồ, nếu không được thu gom, xử lý, chúng sẽ bốc lên không trung và trở thành khí gây hiệu ứng nhà kính gấp hàng chục lần khí CO2. Tuy nhiên, nếu chúng được thu gom, tận dụng sẽ trở thành thứ hữu ích cho xã hội.

Huyền Châu