Đời sống, xã hội

Hàng nhái gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam tràn lan trên thị trường

Thứ hai, 23/12/2019 | 11:08 GMT+7
Trưởng nhóm nghiên cứu giống lúa ST25, ông Hồ Quang Cua khẳng định đã cạn nguồn cung nhưng trên thị trường vẫn đang rao bán tràn lan loại gạo này.

Sau khi đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 vào tháng 11 vừa qua, loại gạo ST25 đang được nhiều người dân săn lùng tìm mua. Điều này khiến cho gạo ST25 trở nên sốt hàng, thậm chí trên thị trường còn xuất hiện hàng nhái nhưng công tác quản lý, bảo hộ cho thương hiệu vẫn chưa được giải quyết.

Giống gạo ST25 ra đời mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt: hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo và đặc biệt có mùi của dứa. So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là có thể trồng từ 2 - 3 vụ, trong khi gạo thơm Thái chỉ trồng được 1 vụ vì là lúa mùa dài ngày. Tuy nhiên, điều khiến ông Hồ Quang Cua trăn trở là bởi uy tín hạt gạo cao nên đang bị không ít các đầu mối kinh doanh lợi dụng.

Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ, xuất phát điểm của nhóm là tạo ra được hạt gạo ngon cho bà con cũng như nâng tầm hạt gạo Việt trên trường quốc tế. Thực trạng về giống, sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... đã kéo giá trị hạt gạo của Việt Nam xuống thấp, thậm chí không thể xây dựng được thương hiệu dù chúng ta luôn đứng top đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới.

Gạo ST25 được nhiều người dân tìm mua khiến loại gạo này trở nên sốt hàng

Trong khi ST25 mới chỉ được bán thử nghiệm ở khoảng 20 cửa hàng tại TPHCM với số lượng hạn chế, nhưng thực tế lại có hàng trăm điểm đang rao bán ST25 với giá cao hơn gạo thật cả chục nghìn đồng. Nhiều cửa hàng còn sử dụng cả hình ảnh của ông Cua cũng như logo đạt giải của nhóm nghiên cứu để tiêu thụ gạo giả.

Cụ thể, gạo ST25 thật của ông Hồ Quang Cua đang bán ra thị trường TPHCM chỉ ở mức 27.000 đồng/kg và gạo ST24 là 26.000 đồng/kg. Trong khi, một số tiểu thương bán gạo giả lại đẩy giá gạo ST25 lên mức 35.000 - 45.000 đồng/kg, cao hơn gạo ST25 chính thống từ 8.000 - 18.000 đồng/kg.

Theo ông Cua, sở dĩ có tình trạng nhái sản phẩm gạo ST25 là do việc làm giấy chứng nhận bản quyền cho một giống gạo mới tốn khá nhiều thời gian và thủ tục rườm rà. Vì thế, nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở giống gạo mới này chưa có chứng nhận “chủ quyền” nên đã tranh thủ tung ra thị trường các loại gạo tương tự với ST25 để trục lợi.

Để giải quyết tình trạng này, ông Cua đã quyết định tạm ngưng cung cấp mặt hàng gạo ST25 ra thị trường cho đến khi doanh nghiệp của ông thiết kế hoàn chỉnh bao bì cũng như sản xuất được bao bì mới.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chế tài xử phạt quá nhẹ chính là nguyên nhân khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam chưa thể được triệt tiêu. Từ việc gạo ST25 bị làm nhái đã cho thấy thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp, đến chủ thương hiệu gạo đó mà còn làm giảm uy tín ngành gạo Việt.

"Cần tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học, đưa công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng trước mắt cần cương quyết xử lý các kiểu làm ăn gian dối, khôn lỏi đang diễn ra gần như thách thức dư luận. Như vậy, các thương hiệu mới không phải lép vế trước gian thương", tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp nói.

Huyền Dung (t/h)