Môi trường (old)

Không để xảy ra ô nhiễm ở Nhiệt điện Duyên Hải

Thứ ba, 10/11/2015 | 14:44 GMT+7
Việc đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện ở các tỉnh phía Nam đã góp phần quan trọng bài toán điện cho miền Nam. Nhưng để vận hành các nhà máy ổn định, an toàn, không tác động xấu đến môi trường, cuộc sống của người dân xung quanh nhà máy thì vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành điện. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án nhiệt điện 3 (Tổng Công ty Phát điện 1 - EVNGENCO1) xung quanh vấn đề này.

PV: Trước hết, xin ông cho biết tình hình triển khai các dự án nhiệt điện ở Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Hiện nay, các dự án trong trung tâm điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều đã được khởi công gồm Dự án Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng. Trong đó, Dự án Duyên Hải 1 là dự án trọng điểm trong năm 2015 với mục tiêu phát điện ngay trong mùa khô này.

Ông Nguyễn Việt Dũng.

PV: Việc đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, Nhà máy Duyên Hải 1 đã hòa lưới đồng bộ Tổ máy số 1 và đến cuối tháng 4 đã hòa máy Tổ máy số 2. Hiện 2 tổ máy này đang trong giai đoạn cân chỉnh để chạy thử thách trong 1 tháng trước khi đưa vào vận hành thương mại. Việc đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 là rất quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, và đặc biệt là khu vực phía nam, miền Tây Nam Bộ - những khu vực hiện đang phụ thuộc vào điện truyền tải từ miền Bắc, miền Trung vào. Nó sẽ đảm bảo việc cung ứng điện, an toàn đầy đủ cho những khu vực trên trong trường hợp các nguồn điện chạy khí hiện nay giảm công suất, hoặc tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng hệ thống khí.

PV: Việc vận hành nhà máy trong quá trình hòa lưới đến khi vận hành có khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Duyên Hải là dự án nhiệt than đầu tiên ở miền Tây, còn nhiệt điện khí thì có nhiều. Đối với nhiệt điện than thì khâu khó khăn nhất là than và vấn đề tro xỉ. Với khí thì chỉ cần có nguồn khí, mở van là có thể vận hành thiết bị công nghệ. Còn với than, khi vận chuyển có thể bị ẩm, ướt gây tắc. Còn tro xỉ nếu xử lý không tốt có thể phát tán ra môi trường. Đây là những khó khăn lớn nhất đối với Duyên Hải mà chúng tôi đang phải xử lý một cách toàn diện và hiệu quả.

PV: Cụ thể với vấn đề than thì sao?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Với tất cả các nhà máy nhiệt điện than thì quá trình ổn định cháy trong lò hơi rất quan trọng và với Duyên Hải cũng tương tự. Bản chất nó khó khăn vì than không như dầu hay khí với đặc tính ổn định, còn than thì mỗi khu vực, mỗi quốc gia sẽ có đặc tính riêng. Chính vì vậy, dù là các nhà thầu quốc tế có kinh nghiệm nhưng khi đi vào thiết kế và đặc biệt là cân chỉnh, chỉnh định một lò hơi họ phải làm lại từ đầu để đáp ứng được than đặc thù của chúng ta.

Duyên Hải có một chút thuận lợi là nhà thầu Dongfan đã thực hiện một công trình nhiệt điện với loại than tương tự ở Hải Phòng. Họ đã tích lũy kinh nghiệm nên sẽ làm tốt hơn, nhanh hơn trong quá trình cân trình, đặc biệt là chế độ cháy trong lò hơi nó sẽ mang tính ổn định cao hơn.

PV: Dư luận đang rất quan tâm đến vấn để xử lý tro xỉ tại các nhà máy Nhiệt điện, đặc biệt là sau sự cố ở nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Vậy xin ông cho biết, vấn đề này đã được Duyên Hải xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Chúng tôi đã theo dõi rất sát sự cố ở Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Tập đoàn cũng như EVNGENCO1 đã đánh giá tình hình ở Vĩnh Tân 2 và có những chỉ đạo với Duyên Hải với mục tiêu là không để sự cố tương tự xảy ra ở Duyên Hải.

Hai hệ thống xử lý tro xỉ ở Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải cũng tương tự nhau, dùng công nghệ xả xỉ khô. Cái khác ở Duyên Hải và Vĩnh Tân 2 là cái silô tro xỉ. Ở Vĩnh Tân 2, silô tro xỉ nằm ngay cạnh lò hơi và như vậy, từ silô đó chuyển ra bãi xỉ phải đi 6-7km. Còn ở Duyên Hải, silô tro xỉ được đặt ngay cạnh bãi xỉ, toàn bộ tro bay sẽ được thổi từ lò hơi đến silô. Từ silô, tro xỉ sẽ được chuyển ra bãi xỉ với khoảng cách chỉ vài trăm mét. Với cách làm này, vấn đề tro xỉ sẽ được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, tro bay vẫn đang là vấn đề mà chúng tôi đang xử lý. Đặc thù thời tiết ở Duyên Hải cũng như Vĩnh Tân 2, tức là có mùa gió chướng từ tháng 11 đến tháng 4, gió rất là lớn, có khi lên tới cấp 5, cấp 6. Việc vận chuyển dù được thực hiện trong một khoảng ngắn nhưng các phương án, các giải pháp chống tro xỉ bay ra khu vực lân cận vẫn phải được xem xét.

Một góc Trung tâm Điện lực Duyên Hải.

PV: Để khắc phục tình trạng này, Duyên Hải đã có giải pháp gì?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang cùng với tư vấn xem xét giải pháp đảm bảo việc tro xỉ được đưa ra sẽ được phun nước và khi đã ra bãi cũng liên tục được phun nước, lu lại để đảm bảo độ chặt lên tới 90%. Việc phát tán trong quá trình lưu trữ tro xỉ sẽ được kiểm soát một cách an toàn.

Về lâu dài, bên cạnh các giải pháp hạn chế phát tán tro bụi thì Ban Quản lý dự án đang cùng với Công ty nhiệt điện Duyên Hải - công ty vận hành lâu dài các nhà máy nhiệt điện ở duyên hải - nghiên cứu phối hợp với các đối tác tận dụng tro xỉ vào sản xuất vận liệu xây dựng. Hiện tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than vẫn chưa được kết luận cụ thể là chất thải nguy hại hay thông thường. Nếu kết luật là chất thải thông thường, chúng ta có thể xử dụng tro xỉ vào mục đích ít giá trị kinh tế nhất nhưng lại an toàn là dùng vào việc san lấp tại những khu vực cần thiết và cao hơn nữa là làm gạch không nung, phụ gia cho sản xuất xi-măng, bê-tông...

PV: Hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng cần quy hoạch vùng tro xỉ cho các nhà máy nhiệt điện, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Thực ra, ở khu vực phía nam, nhiệt điện chạy than đầu tiên mới có Vĩnh Tân, sau đó mới đến Duyên Hải. Và vì mới đưa vào vận hành nên thị trường tro xỉ của chúng ta chưa có. Còn ngoài miền Bắc, các dự án nhiệt điện Phả Lại, Hải Phòng, Quảng Ninh... đã vận hành từ lâu, thị trường tro xỉ đã hình thành. Chúng ta thấy ở những dự án này, các bãi tro xỉ hầu như không có gì. Vậy nên, khi có thị trường tro xỉ, các nhu cầu tro xỉ sẽ phát sinh, đặc biệt là khu vực miền Nam, vật liệu xây dựng là rất thiếu thì chắc chắn, việc tìm đầu ra cho tro xỉ sẽ thuận lợi. Và như vậy, vấn đề tro xỉ sẽ được giải quyết.

PV: Xin cảm ơn ông!

Dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải do EVN - EVNGENCO 1 làm chủ đầu tư, được xây dựng tại ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh trên diện tích 878,91ha, có tổng công suất khoảng 4.308MW, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỉ USD.
Trung tâm Điện lực Duyên Hải thuộc Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.

Nguồn: Petrotimes.vn