Quốc tế

Khủng hoảng Ukraine gây “náo loạn” thị trường năng lượng thế giới

Thứ hai, 23/11/2015 | 19:09 GMT+7
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine là nhân tố chính làm thay đổi xu hướng phát triển và tái cơ cấu thị trường năng lượng thế giới.

Tháng 3 năm 2014, bán đảo Crimea sát nhập vào Nga đã khiến cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngày càng leo thang. Mỹ và châu Âu coi đây như một cái cớ để tiến hành áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với Nga đến nay đã được hơn một năm.

Là một trong những sự kiện chính trị nóng bỏng của thế giới, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã trở thành cuộc xung đột có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đối với cục diện chính trị thế giới, hiện nay, những tác động này vẫn chưa có hồi kết.

Từ trước đến này, bất ổn chính trị không bao giờ tồn tại độc lập mà nó sẽ gây ra những tác động kép đối với cả nền kinh tế. Vậy nó có tác động như thế nào đối với ngành sản xuất dầu mỏ của thế giới và của Nga, cũng như thị trường năng lượng toàn cầu?

Cuộc nội chiến ở Ukraine đã gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường năng lượng thế giới. Nó tiếp tục thúc đẩy tiến trình đa dạng hóa các nguồn cung cấp và thay đổi cơ cấu năng lượng của thế giới, đặc biệt là không có lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp năng lượng Nga.

Sau khi xảy ra chính biến ở Kiev, dẫn đến cuộc nội chiến ở nước này hơn 1 năm qua, có một số dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine  có ảnh hưởng lớn đến thị trường năng lượng thế giới.

Là một nước sản xuất năng lượng chính của thế giới, trong khi tìm kiếm và củng cố thị trường tiêu thụ năng lượng truyền thống ở châu Âu, Nga cũng đang nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thị năng lượng.

Trong khi đó, các quốc gia tiêu thụ năng lượng chủ yếu ở châu Á thì tích cực mở rộng nguồn cung cấp năng lượng. Do vậy, cả cung lẫn cầu đều được đáp ứng.

Các nước phương Tây đã lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine để trừng phạt Nga, khiến cho ngành năng lượng Nga bị hạn chế về tài chính, khoa học công nghệ và trang thiết bị, dẫn tới doanh thu từ dầu khí cũng bị cắt giảm. 

Áp lực từ Liên minh châu Âu (EU) khiến cho dự án đường ống dẫn dầu “Dòng chảy phương Nam” (South Stream) bị hủy bỏ. Nga cũng áp dụng các biện pháp đáp trả quyết liệt. 

Một mặt, Nga nỗ lực củng cố hạn ngạch thị trường khí đốt tại châu Âu, ngoài ra, vào tháng 12/2014, Tổng thống Nga Putin tuyên bố mở rộng xây dựng tuyến đường ống vận chuyển khí đốt mang tên Blue Stream đi qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và đến Italia.

Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến kinh tế Nga khốn đốn.

Mặt khác, Nga cũng mở rộng điều kiện hợp tác, từng bước đẩy mạnh tốc độ hợp tác với các nước tiêu thụ năng lượng lớn ở châu Á.

Trong bối cảnh đó, cuộc đàm phán Trung - Nga về lĩnh vực năng lượng đã đạt được bước đột phá mới. Vào tháng 5 năm 2014, hai bên đã ký được hợp đồng mua bán khí đốt khí đốt qua tuyến đường phía Đông. Đến tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh và Moscow tiếp tục ký hiệp định khung về cung cấp khí đốt qua tuyến đường phía Tây.

Ngoài ra, hai nước cũng có ý định khởi động một loạt dự án hợp tác mới trong lĩnh vực khai thác năng lượng, giao thông vận tải, thương mại, tài chính và cung cấp các trang thiết bị kỹ thuật khác.

Là một bạn hàng tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới nhưng giờ đây, Liên minh châu Âu đẩy mạnh tốc độ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và tăng cường quản lý nguồn năng lượng nội bộ để nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

Cuộc chiến khí đốt vào năm 2006 và năm 2009 giữa Kiev và Moscow khiến cả châu Âu “lạnh cóng” đã khiến cho EU ngày càng nỗ lực muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga, bằng việc thúc đẩy xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nabucco, mục đích là vận chuyển khí đốt từ khu vực Trung Á và ngoại Kavkaz tới châu Âu.

Tuy nhiên, vì tuyến đường quá dài, nguồn cung cấp không ổn định và chi phí đầu tư cao, cộng thêm tác động bởi yếu tố bên ngoài cho nên kế hoạch này đã bị hoãn lại vô thời hạn.

Hiện nay, Liên minh châu Âu đang trù tính một phương án ở khu vực hành lang phía Nam, cụ thể là tuyến đường ống chạy qua Kazakhstan- Turkmenistan-Azerbaijan. Tuyến đường ống dẫn khí từ mỏ Shah Deniz 2 của Azerbaijan tới Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu đã được khởi công ngày 17/3 vừa qua. 

Tuy nhiên, tuyến đường trị giá hơn 10 tỷ USD này chỉ đảm bảo được một phần về nhu cầu năng lượng của châu Âu. Do đó, để để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, Liên minh châu Âu chỉ còn cách quyết tâm và tăng cường quản lý nguồn năng lượng nội bộ. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra tại Brussels, Bỉ ngày 19-3 vừa qua, lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về những bước đầu tiên nhằm thành lập một liên minh năng lượng của châu Âu trên nguyên tắc: Đảm bảo an ninh năng lượng; hợp nhất thị trường năng lượng nội bộ; tiếp kiệm năng lượng; phát triển nguồn năng lượng tái sinh và đổi mới công nghệ. 

Phương án phải nhập khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ, xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Trung Đông, Bắc Phi đến EU và khảo sát thăm dò khai thác khí đá phiến sét ở châu Âu đã được cân nhắc. Tuy nhiên, đây đều là những giải pháp mang tính dài hạn bởi vì rủi ro và giá thành đều cao hơn rất nhiều khi nhập khẩu từ Nga.

Tuy nhiên, khí đốt đã trở thành con bài quan trọng của Nga.

Trái lại, Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi cũng coi trọng việc xuất khẩu các chế phẩm năng lượng sang thị trường châu Âu. Nếu như phương án này được thực hiện thì trong tương lai xa, cục diện năng lượng thế giới sẽ có những biến đổi sâu sắc.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã thúc đẩy các nhà cung cấp năng lượng chủ yếu thuộc Liên Xô cũ tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng. 

Trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine xảy ra, việc giảm nhu cầu năng lượng ở thị trường châu Âu đã dẫn đến nhu cầu năng lượng ở khu vực Trung Á và ngoài Kavkaz có xung hướng giảm theo.

Sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong tình trạng trao đổi năng lượng bị ngăn chặn, kinh tế lâm vào khó khăn, thì những đối tác truyền thống của Nga thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan và Azerbaijan đẩy mạnh tốc độ đa dạng hóa nguồn năng lượng xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết, kế hoạch trong năm 2015 tập đoàn sẽ cắt giảm sản lượng nhập khẩu khí đốt từ Turkmenistan và Uzbekistan lần lượt xuống còn 4 tỷ mét khối và 1 tỷ mét khối.

Đối với Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan thì Trung Quốc là thị trường tương đối triển vọng, còn châu Âu mới là thị trường dầu mỏ chính của Azerbaijan. 

Hiện nay, Kazakhstan đang nghiên cứu khả năng xây dựng một đường ống xuất khẩu dầu khí chạy qua Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu và Iran. Ngoài ra, Turkmenistan đang đẩy nhanh thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt từ Turkmenistan qua Afghanistan và Pakistan đến Ấn Độ. 

Vào tháng 3 năm nay, dự án đường ống dẫn khí qua Azerbaijan, Gruzia, xuyên Anatolia (TANAP) đến Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 10 tỷ USD đã được khởi công. 

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine khiến cho cục diện chính trị, kinh tế và an ninh ở các khu vực vốn là thuộc Liên Xô cũ ngày càng bất ổn, đặc biệt là sự suy thoái của nền kinh tế Nga đã tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia và không có lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng trong khu vực. 

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã chứng minh, sự tranh chấp địa chính trị giữa Nga và phương Tây trong khu vực vốn thuộc Liên Xô cũ vẫn chưa hề kết thúc. Chiến tranh cục bộ xảy ra ở Ukraine tác động đến dòng chảy của nhân sự và vũ khí trong khu vực thuộc Liên Xô cũ và hiệu ứng của nó lan tỏa không có lợi cho sự ổn định trong khu vực.

"Hiện tượng Crimea" sẽ lại một lần nữa được đặt trên bàn đàm phán của Nga về các vấn đề lãnh thổ còn sót lại sau khi Liên Xô tan rã, khuấy động mâu thuẫn của các bên có liên quan tranh chấp trở lên gây gắt và mãnh liệt hơn và rất có thể những tranh chấp sẽ dễ dàng tác động đến lĩnh vực quyền khai thác và nơi sản xuất năng lượng.

Trong một loạt các tình huống đó, những khó khăn và rủi ro để thực hiện các dự án năng lượng ở khu vực thuộc Liên Xô cũ cũng sẽ tăng lên.

Kinh tế Nga lâm vào suy thoái, kinh tế Ukraine còn tồi tệ hơn, tác động xấu đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực vốn thuộc Liên Xô cũ có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ đối với hai nước và có tác động không tốt đến ngành công nghiệp năng lượng thế giới.

Các nước thuộc khu Liên Xô cũ có thể được tạm chia thành hai loại: Thứ nhất là nước tiêu thụ năng lượng như Kyrgyzstan, Tajikistan, Belarus, Moldova, Armenia và Gruzia, tất cả các quốc gia này đều nhận được đầu tư từ Nga, xuất khẩu sang Nga và thu về nguồn kiều hối thấp, đây là những quốc gia có thu nhập thấp.

Trong đó, Moldova là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga từ Ukraine nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Tiếp đó là nước cung cấp năng lượng, bao gồm: Kazakhstan, Turkmenistan, Azerbaijan và Uzbekistan. Giá năng lượng sụt giảm dẫn tới doanh thu của các nước này sẽ suy giảm.

Trong đó, Kazakhstan là đồng minh thân cận trong lĩnh vực an ninh chính trị của Nga, trong lĩnh vực kinh tế là một thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Kazakhstan xuất khẩu dầu mỏ sang Nga, nhập khẩu sản phẩm dầu khí từ Nga sau đó lại trung chuyển qua Nga đến Trung Quốc. Bởi vậy, quốc gia này bị ảnh hưởng nhiều nhất khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Nga đã chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Các ngân hàng Nga cũng bị ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực tài chính ở Kazakhstan, sau khi đồng Ruble (RUB) của Nga bị mất giá thì đồng Tengơ (KZT) cũng bị mất giá theo.

Kể từ khi chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, các chi nhánh Ngân hàng Nga tại Kazakhstan đã tích cực thu hút các nguồn tín dụng địa phương, từ đó hình thành nên một làn sóng cạnh tranh với các ngân hàng bản địa.

Đối với Azerbaijan và Uzbekistan, số lượng xuất khẩu năng lượng của hai quốc gia này sang Nga rất thấp, các công ty năng lượng của Nga cũng đầu tư vào các dự án khai thác khí đốt tự nhiên ở Uzbekistan, đồng thời, công nhân hai quốc gia này làm việc ở Nga nhiều, nguồn thu kiều hối ít.

Tuy nhiên, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Nga tăng, do đó, kinh tế hai nước cũng bị tác động bởi kinh tế Nga.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine có tác động nhưng rất hạn chế đến xu thế sản xuất và giá cả trên thị trường năng lượng quốc tế.

Trước tiên, bản thân cuộc khủng hoảng đã khiến cho nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới đang trên đà phục hồi bị ảnh hưởng, đồng thời cũng tác động đến sự mất cân đối trong nhu cầu và cung cấp năng lượng, từ đó có ảnh hưởng đến giá năng lượng.

Tiếp đến, cuộc khủng hoảng ở Ukraine là cơ hội để đầu tư các nguồn vốn trôi nổi của thế giới vào thị trường tài chính năng lượng quốc tế, từ đó, thúc đẩy giá năng lượng biến động.

Cuối cùng, ngành công nghiệp năng lượng là huyết mạch của nền kinh tế Nga, Moscow rất nhạy cảm với giá năng lượng. Mỹ và châu Âu sử dụng công cụ tài chính tác động đến giá dầu thế giới, gây ra sự “cấm vận kép” đối với Nga.

Để trừng phạt Moscow, Washington không thể không đình chỉ các dự án hợp tác năng lượng giữa các công ty Mỹ với các công ty Nga. Sự sụt giảm giá dầu tuy không có lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng Hoa Kỳ, nhưng lại có lợi cho nền kinh tế nước này.

Vì vậy, Mỹ sẽ đóng một vai trò rất đáng quan tâm trên thị trường năng lượng quốc tế trong tương lai. 

Nguồn: Báo Đất Việt