Đời sống, xã hội

Kiến nghị triển khai chế định Thừa phát lại trên cả nước

Thứ hai, 9/11/2015 | 11:20 GMT+7
Đọc tờ trình trước Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết cho phép triển khai chế định thừa phát lại ra cả nước sau thời gian thí điểm thành công.

Theo Nghị định của Chính phủ, Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.

Thừa phát lại được giao thực hiện 4 nhiệm vụ. Cụ thể, được thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự; được lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Theo yêu cầu của đương sự, cơ quan này được xác minh điều kiện thi hành án hay trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Ở nước ta, nghề Thừa phát lại cũng đã được thừa nhận tại miền Bắc cho đến năm 1950 và tại miền Nam cho đến năm 1945. Bên cạnh đó, hầu hết các nước theo hệ thống pháp luật thành văn đều áp dụng mô hình Thừa phát lại với tư cách là người được Nhà nước bổ nhiệm để hành nghề tự do, tự chủ tài chính.

Thí điểm chế định Thừa phát lại là một trong những nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Việc thí điểm thực hiện được diễn ra từ 2005 đến nay. Ban đầu, việc thí điểm chỉ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, rồi được kéo dài thời hạn, mở rộng ra 13 tỉnh thành trên cả nước.

Xã hội hóa thi hành án dân sự

Theo Nghị định 61/2009/NĐ-CP:

- Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.

- Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

- Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tính đến hết tháng 9/2015, 53 Văn phòng Thừa phát lại tại 13 tỉnh thành phố thực hiện thí điểm đã tống đạt được gần 940.000 văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập gần 43.000 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu là gần 136 tỷ đồng.

Trong quá trình tổng kết việc thí điểm, Báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, địa phương liên quan đều đánh giá chế định này là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, cơ quan, tổ chức và đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho triển khai chính thức.

Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, hoạt động tống đạt của Thừa phát lại đã giúp giảm tải công việc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án, vị thế của Thẩm phán, Thư ký Toà án.

Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. Đồng thời, vi bằng do Thừa phát lại lập cũng góp phần bổ sung nguồn chứng cứ, giúp các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế tranh chấp giữa các bên liên quan, tạo cơ sở để cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật.

Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại giúp người dân có thêm công cụ hỗ trợ tích cực để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức thi hành án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Trong thời gian chưa thay thế các cơ quan thi hành án dân sự thì đây là hoạt động bổ trợ tích cực cho hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.

Hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với mong muốn, niềm tin của mình khi yêu cầu thi hành án dân sự; góp phần giảm tải cho cơ quan thi hành án dân sự, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động này.

“Có thể nói, hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”, tờ trình của Chính phủ viết.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Thừa phát lại trong thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn, kết quả hoạt động của một số Văn phòng Thừa phát lại còn chưa cao, chưa đồng đều, trong đó kết quả hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn thấp; trong hoạt động còn có sai sót; một số vướng mắc còn thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết triệt để...

Theo chương trình kỳ họp, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về đề xuất này của Chính phủ trong chiều nay, 9/11.

PV/Xuân Tuyến