Kinh doanh xăng dầu lợi nhuận lớn, dễ làm giả

Thứ sáu, 29/11/2019 | 15:18 GMT+7
Tại Toạ đàm "Xăng dầu giả, thiệt hại thật" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29/11, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, nhận định tình hình xăng dầu gian lận diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ việc quy mô lớn như tháng 10/2017 phát hiện pha chế, tiêu thụ 2 triệu lít tại Nghệ An; năm 2019 đường dây pha chế và tiêu thụ xăng dầu giả của Trịnh Sướng …

Từ năm 2018 đến nay đã kiểm tra, xử lý 5.000 vụ việc, tước quyền sử dụng 37 giấy phép… địa bàn tương đối phổ biến như tỉnh miền Tây Nam bộ, Trung bộ và một số tỉnh phía Bắc.

Đặc biệt, theo ông Linh, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, kiểm soát từ đầu năm 2019, phối hợp một vài tỉnh phát hiện có địa phương có tới 50% mẫu xăng dầu khi kiểm tra kém chất lượng.

Có địa phương 50% mẫu xăng dầu kiểm tra kém chất lượng

Các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu gồm bán xăng dầu kém chất lượng qua hệ thống, kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận đã hết hiệu lực, hoặc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xăng dầu nhập lậu, tác động đến phương tiện đo để làm sai lệch, buôn lậu bất chính…

Liên quan tới việc thanh tra, kiểm tra kiểm soát vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết có thực tế, những doanh nghiệp lớn làm ăn chân chính hầu như không có hiện tượng gian lận. Những vi phạm được phát hiện chủ yếu ở các cửa hàng, doanh nghiệp lấy từ nhiều nguồn nên khó kiểm soát.

“Thực tiễn vừa qua một loạt các cơ sở kiểm tra bị phát hiện vi phạm và xử lý. Có những trường hợp bị xử phạt 500 triệu đồng và tạm dừng giấy phép kinh doanh 3 tháng. Trong đó rất nhiều cơ sở đã từng kiểm tra. Họ nghĩ rằng kiểm tra một lần rồi là không kiểm tra nữa. Đó là điều kiện để người ta vi phạm”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Trần Hữu Linh, thị trường xăng dầu phát triển và có lợi nhuận rất lớn. Vì vậy để ngăn chặn có hiệu quả tình hình gian lận thương mại xăng dầu (xăng dầu không rõ nguồn gốc, vi phạm về chất lượng) đòi hỏi về chính sách, kiểm tra kiểm soát thị trường lực lượng chức năng phải làm hết trách nhiệm quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chủ động phát hiện tố giác các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. “Doanh nghiệp cần phải làm ăn chân chính, có đạo đức kinh doanh như vậy mới có thể ngăn chặn hiệu quả gian lận thương mại xăng dầu đang rất phổ biến hiện nay”, ông Linh nhấn mạnh.

Nam Yên