Đời sống, xã hội

Ký ức người lính cùng đồng đội húc đổ cổng Dinh Độc Lập .

Chủ nhật, 30/4/2017 | 09:34 GMT+7
Ra hiệu cho 2 chiến sĩ cùng bắn vào xe tăng địch nhưng không cháy, thiếu tá Nguyễn Duy Ân liền giật lấy khẩu B41 nhắm thẳng vào 3 chiếc xe tăng lần lượt nả đạn khiến cả 3 chiếc nổ tung. Tiếp đó cùng đồng đội oai dũng ngồi lên xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Đã 42 năm qua đi nhưng giây phút bắn cháy 3 chiếc xe tăng của địch, cùng đồng đội ngồi trên xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập như vẫn còn in đậm trong ký ức của thiếu tá Nguyễn Duy Ân (SN 1947, trú xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) – người chiến sỹ tham gia chiến dịch mùa Xuân năm 1975.

Gặp chúng tôi trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, ông Ân trong bộ quân phục chỉnh tề. Bước sang tuổi 70, tóc đã bạc phơ, song ở ông vẫn toát lên một tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát. Dù vậy nhưng có lẽ ít ai biết rằng, trong con người mãnh mẽ ấy đang phải mang trong mình 5 mảnh kim khí (võ đạn) do chiến tranh để lại.

Rót cóc nước chè xanh, ông Ân cùng chúng tôi ôn lại những kỷ niệm về một thời hào hùng nơi chiến trường. Ngày 24/12/1967, khi đang là cán bộ thủy lợi của tỉnh Hà Tĩnh, chàng trai trẻ Nguyễn Duy Ân lên đường nhập ngũ với quyết tâm được cống hiến một phần sức lực cho công cuộc giải phóng đất nước. Sau hơn một tháng huấn luyện bộ binh, ông Ân được chuyển về tiểu đoàn 2, trung đoàn 9, sư đoàn 304, tham gia chiến đấu tại chiến trường tỉnh Quãng Trị cho đến hết năm 1974.

Hồi tưởng lại những giây phút cùng đồng đội vào sinh ra tử ở chiến trưởng tỉnh Quảng Trị, ông Ân cho biết: “Thời điểm từ năm 1969 đến 1974, Quảng Trị là một trong những chiến trường bị địch đánh phá ác liệt nhất. Tôi còn nhớ rõ, năm 1969, khi vừa được điều lên làm cán bộ đại đội bộ binh, tôi trực tiếp tham gia trận đánh với một đại đội quân Mỹ gồm 109 tên. Khi phát hiện quân địch hành quân, sư đoàn chúng tôi đã mật phục rồi bất ngờ ập đánh tiêu diệt toàn bộ quân địch. Sau trận đánh này tôi đã được tặng thưởng huân chương kháng chiến”.

Những năm tháng chiến đấu tại chiến trường tỉnh Quảng Trị, với những chiến công và sự mưu trí nơi chiến trường, ông Ân được tặng thưởng huân chương chiến sĩ vẻ vang và được kết nạp vào Đảng ngay tại trận. Sau đó, ông được chuyển vào đại đội 6 (gọi tắt là C6), tiểu đoàn 1, trung đoàn 9, sư đoàn 304. Năm 1973, sau ngày hiệp định Pari được ký kết, ông Ân được phong quân hàm sỹ quan, rồi lên thiếu úy và 7 ngày sau là trung úy. Năm 1974, ông được đợn vị cho nghỉ phép 15 ngày về quê cưới vợ rồi sau đó quay lại chiến trường tiếp tục chiến đấu.

Khi chiến dịch mùa xuân năm 1975 mở màn, đại đội 6 của ông Nguyễn Duy Ân được lệnh hành quân vào miền Nam tham gia chiến dịch. Mở màn chiến dịch xuất phát từ Quãng Trị, C6 gồm 115 cán bộ chiến sỹ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch giải phóng Huế, đánh thắng sư đoàn 3 ngụy quân ở Khánh Hòa, giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ngày 29/3/1975, C6 tiếp tục hành quân thần tốc vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lúc này, C6 được giao nhiệm vụ đơn vị luồn sâu mở cửa cho Đại quân tấn công chiến thắng. Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975 được lệnh nổ súng tấn công, C6 cùng với các tiểu đoàn khác thuộc trung đoàn 9 đã áp sát, tấn công Trường sĩ quan tăng thiết giáp của địch tại căn cứ Nước Trong (Đồng Nai) và giành chiến thắng. Ngày 27 đến 28/4/1975, C6 của ông Ân tiếp tục chốt giữ trận tuyến phòng ngự, chiến đấu chống phản kích chiếm lại căn cứ của ngụy quân Sài Gòn. Tối ngày 28/4/1975, C6 tiếp tục được giao nhiệm vụ mật tập luồn sâu lót sẵn, đánh chiếm lô cốt tại khu vực ngã ba Thái Lan. Ngày 29/4/1975 sau khi đánh chiếm được lô cốt tại ngã ba Thái Lan, C6 báo cáo với cấp trên và nhận lệnh của Trung đoàn cho cắm cờ lên đỉnh lô cốt để làm mục tiêu cho quân ta tấn công đúng hướng. Tại khu vực ngã ba Thái Lan hướng huyện lỵ Long Thành đi ngã ba Vũng Tàu, C6 đã bắn cháy 3 xe tăng của Ngụy quân và đánh chiếm lô cốt, tiêu diệt tại chổ 25 tên địch và bắt sống 7 tên khác.

“Tôi còn nhớ rõ, lúc đó khoảng 7 giờ sáng ngày 29/4/1975, trong lúc vào khu vực lô cốt cắm cờ, tôi cùng đồng đội bất ngờ bị kẻ địch dùng pháo bắn sập lô cốt, lúc này 3 chiếc xe tăng của địch liên tục nả đạn vào khu vực lô cốt làm 7 chiến sỹ hy sinh, 12 đồng chí khác bị thương. Trong tình thế cấp bách, tôi ra hiệu cho 2 chiến sĩ đi cùng bắn thẳng vào xe tăng, thế nhưng xe không cháy, tôi liền giật lấy khẩu B41 nhắm thẳng vào 3 chiếc xe tăng lần lượt nả đạn khiến cả 3 nổ tung”, ông Ân nhớ lại.

Ông Ân cho biết, đến 12 giờ ngày 29/4/1975, Ban chỉ huy C6 nhận được lệnh tăng cường đại đội 2 xe tăng của Lữ đoàn 203 do đồng chí Bùi Quang Thuận làm Đại đội trưởng phối hợp tấn công địch đến mục tiêu cuối cùng là giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc. Từ giờ phút đó, xe tăng, bộ binh phối hợp tấn công địch qua cầu Sông Buông, cầu Đồng Nai.

Đến 7 giờ sáng ngày 30/4/1975, C6 đánh chiếm được cầu Thị Nghè, đập tan các điểm chốt chặn của địch. Đến 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, C6 đã đập tan chốt chặn cuối cùng của ngụy quân Sài Gòn ở khu vực ngã tư Hàng Xanh, sau đó ông cùng đồng đội ngồi lên tháp pháo xe tăng của Đại đội Bùi Quang Thuận phối hợp tiến thẳng vào thành phố Sài Gòn. “Lúc này tôi cùng 4 chiến sỹ khác ngồi trên tháp pháo của 2 chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 tiến về trụ sở đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn – Dinh Độc Lập. Đang lúc chưa định hình được hướng vào Dinh Độc Lập, đúng lúc này có chiếc xe con của Ngụy quyền chạy qua, tôi cùng 4 đồng chí đã bắt giữ trong xe một tên người Mỹ, tên này khai là thư ký của Tổng thống Thiệu hơn 9 năm qua. Sau khi tổng thống bỏ chạy nó cũng tìm đường trốn thoát nhưng đã bị đội cảm tử chúng tôi vây bắ, nhân cơ hội đó chúng tôi bắt tên này lên xe tăng dẫn đường vào Dinh Độc Lập”, Thiếu tá Ân nhớ lại giây phút cùng đồng đội ngồi lên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập.

Kết thúc chiến tranh đại đội 6, quân đoàn 2 của ông Nguyễn Duy Ân là đơn vị được cấp trên xét duyệt là đại đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập được nhiều chiến công tiêu biểu. Với những chiến công xuất sắc, ông Ân được tặng thưởng 12 huân chương giải phóng, chiến sỹ vẻ vang, trong đó có 4 huân chương chiến công. Đặc biệt năm 2010, ông được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trở về cuộc sống đời thường sau khi làm tròn nghĩa vụ và bổn phận của người lính với đất nước, dù mang trong mình nhiều vết thương do bom đạn để lại nhưng suốt hơn 40 năm qua, ông Ân chưa bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi mà vẫn tham gia làm công tác cán bộ từ xã đến huyện như Chủ tịch hội cựu chiến binh xã và hiện đang là Phó chủ tịch hội nạn chất độc da cam huyện Lộc Hà.

Sau 42 năm rời chiến trường, khi nhắc lại hành động bắn cháy 3 chiếc xe tăng địch, ông Ân vuốt mái tóc bạc phơ cười nói: “Đồng đội không bắn được thì mình phải giật lấy súng mà bắn chứ. Hiện tại khẩu súng B41 mà tôi sử dụng lúc đó, giờ đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Quân đoàn 2”.

 

Báo TNMT