Lần đầu tiên công suất điện than toàn cầu suy giảm

Thứ hai, 3/8/2020 | 11:24 GMT+7
Theo kết quả mới nhất từ cơ sở dữ liệu Theo dõi các dự án điện than toàn cầu (GCPT) của Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM), nửa đầu năm 2020 đánh dấu cú sụt giảm đầu tiên của các nhà máy điện than toàn cầu.

Báo cáo được hoàn thành vào tháng 7/2020. Theo bản cập nhật cho nửa đầu năm 2020: lần đầu tiên trong lịch sử, công suất điện than bị đóng cửa, ngừng hoạt động giảm nhiều hơn lượng được đưa vào vận hành trong giai đoạn 6 tháng. Từ ngày 1/1- 30/6: 18,3 GW điện than đã được đưa vào vận hành và 21,2 GW bị đóng cửa, dẫn đến mức sụt giảm ròng 2,9 GW công suất điện than toàn cầu.

Công suất điện than toàn cầu suy giảm chủ yếu do châu Âu cho ngừng hoạt động 8,3 GW điện than vào năm 2020. Với kế hoạch cho ngừng hoạt động thêm 6 GW điện than trong năm 2020, EU đang trên đường xác lập một năm giảm kỷ lục nguồn năng lượng này.

Trung Quốc đi đầu về phát triển nhà máy điện than trong nửa đầu năm 2020, chiếm 90% công suất được đề xuất bổ sung (tương đương 53,2 GW trên tổng 59,4GW), và 86% công suất được bắt đầu xây dựng (12,8 GW trong 15,0 GW) cùng 62% công suất đưa vào vận hành (11,4 GW trong 18,3 GW). 

Nửa đầu năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, công suất điện than bị đóng cửa, ngừng hoạt động giảm nhiều hơn lượng được đưa vào vận hành 

Ở Đông Nam Á, chỉ có 1 GW công suất điện than được đề xuất bổ sung và 0,8 GW công suất được bắt đầu xây dựng trong nửa đầu năm 2020, giảm 70% so với mức trung bình của khu vực (2,9 GW đề xuất bổ sung và 2,7 GW xây mới sau mỗi 6 tháng kể từ năm 2015).

Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các nước thực hiện đình chỉ việc xây dựng các nhà máy điện than mới vào năm 2020 nhằm đáp ứng mục tiêu của Hiệp định khí hậu Paris. Tuy nhiên, vẫn còn 189,8 GW công suất điện than đang được xây dựng trên toàn cầu và 331,9 GW khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch tiền xây dựng.

Từ nay đến 2030, sản xuất điện than toàn cầu cần tiếp tục giảm 50% - 75% so với dưới mức hiện tại để hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên ở mức dưới 2°C, theo phân tích của GEM dựa trên các kịch bản của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trong báo cáo SR1.5.

Christine Shearer, Giám đốc Chương trình về than tại Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu cho biết: “Đại dịch Covid đã làm đình trệ phát triển nhà máy điện than trên toàn thế giới, đem đến một cơ hội hiếm hoi cho các quốc gia đánh giá lại kế hoạch năng lượng của mình trong tương lai và lựa chọn con đường tối ưu hóa chi phí, đó là thay thế năng lượng than bằng năng lượng sạch. Cuộc chuyển đổi này nếu diễn ra sẽ kích thích các nền kinh tế, tạo việc làm mới và giúp thế giới đáp ứng được các mục tiêu khí hậu toàn cầu”.

Lan Anh