Miền Trung “quay quắt” vì thiếu nước

Thứ sáu, 30/8/2019 | 14:52 GMT+7
Nắng nóng gay gắt kéo dài cộng thêm các thủy điện thượng nguồn chặn dòng khiến các con sông ở miền Trung luôn trong tình trạng trơ đáy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó TP Đà Nẵng là địa phương gặp khủng hoảng nhất.

Các dòng sông trơ đáy

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Trung Trung Bộ, thời gian qua các tỉnh miền Trung lượng mưa suy giảm rất lớn nên dòng chảy tại các sông trong khu vực này đang thiếu hụt lượng nước nghiêm trọng.

Qua số liệu các đơn vị liên quan đo được thì ở các điểm hạ, trung lưu của một số con sông như sông Bến Hải, Thạch Hãn (Quảng Trị), Thu Bồn - Vu Gia (Quảng Nam) và sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) trong nhiều tháng qua lượng nước chỉ bằng 20 - 60% so với trung bình của các năm. Nguyên nhân việc các con sông miền Trung thiếu nước nghiêm trọng, Đài KTTV Trung Trung Bộ cho biết là do lượng mưa trung bình tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi từ đầu năm đến nay đều thấp hơn các năm, chỉ đạt từ 350 - 550mm. Đặc biệt trong các tháng 5 - 7 vừa qua, lượng mưa ở các tỉnh miền Trung chỉ xấp xỉ 45 - 70% so với các năm.

Người dân Đà Nẵng khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước ở sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn

"Mưa ít, dòng chảy đo được tại một số nơi còn thấp hơn dữ liệu đo đạc từ trước đến nay. Dòng chảy yếu nên tại một số nơi xảy ra tình trạng sông nhiễm mặn ở mức cao, trong đó nghiêm trọng nhất vẫn là TP Đà Nẵng. Có thể thấy trong lịch sử quan trắc chưa bao giờ ở khu vực lại có những dữ liệu "vượt ngưỡng" về nước, nhiệt độ và dòng chảy cũng như tình trạng thiếu hụt nước trên các sông như thời gian qua", ông Phạm Văn Chiến, Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ cho biết.

Tại Bắc Trung Bộ, tình trạng khô hạn cũng khiến cho nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề. Theo Tổng cục Thủy lợi, vụ hè thu năm 2019, diện tích gieo trồng theo kế hoạch vùng Bắc Trung Bộ là 468.398ha. Đến nay, tổng diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước toàn khu vực là 19.180ha, trong đó, tỉnh Nghệ An có 12.387ha; tỉnh Quảng Bình cũng có tới 2.390ha bị hạn hán, thiếu nước.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, dự báo đến cuối mùa khô sẽ có khoảng 52.180ha diện tích tại các tỉnh khu vực này bị hạn hán, thiếu nước, trong đó tỉnh Thanh Hóa khoảng 10.000ha, Nghệ An 22.000ha, Hà Tĩnh 1.200ha, Quảng Bình 4.500ha Quảng Trị 2.900ha, Thừa Thiên - Huế 2.580ha, Bình Định 9.000ha.

Để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản đôn đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh khu vực Trung Bộ, đề nghị tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, thường xuyên kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn, khoanh vùng các diện tích có nguy cơ khô hạn...

Thành phố “đáng sống” phải dùng nước mặn

Đà Nẵng, thành phố 1 triệu dân đang liên tục thiếu nước sinh hoạt trong khi các tỉnh miền Trung chỉ đa phần thiếu nước cho sản xuất.

Trước tình hình này, UBND TP Đà Nẵng phải triệu tập các sở ban ngành cũng như các chủ đầu tư nhà máy thủy điện ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam họp khẩn. Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các thủy điện ở Quảng Nam dừng việc phát điện để xả nước về hạ du giúp Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) đẩy mặn. Tuy nhiên, đến ngày 29/8, tình hình nhiễm mặn ở sông Cầu Đỏ vẫn còn diễn biến rất phức tạp, cả TP Đà Nẵng vẫn đứng trước nguy cơ khủng hoảng thiếu nước sinh hoạt.

Để khắc phục sự việc trên, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã đưa ra hàng loạt giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

Chính quyền TP Đà Nẵng yêu cầu các khách sạn sử dụng tiết kiệm nước và hạn chế lấy nước vào giờ cao điểm để ưu tiên phục vụ người dân thành phố và khuyến cáo người dân khu vực đang có nước sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên lấy đủ lượng nước dành cho sinh hoạt hàng ngày, hạn chế tích trữ nước để góp phần sớm hồi phục mạng lưới, đảm bảo cấp nước cho các khu vực còn thiếu.

Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng thống nhất và yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện các dự án như Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000m3/ngày đêm để hoàn thành trong năm 2020, dự án Mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng với việc đầu tư 4 tuyến ống cấp nước cho quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà sẽ được khởi công vào tháng 9/2019 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019, tuyến ống Diuke qua sông Hàn và sông Cầu Đó, dự án nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch và tuyến ống nước thô về Nhà máy nước Cầu Đỏ sẽ được rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo hoàn thành trong năm 2020...

Ngày 27/8 vừa qua, khi cơn bão số 4 đang cập bờ, UBND TP Đà Nẵng vẫn phải ban hành công văn thống nhất vị trí, quy mô và biện pháp thi công xây dựng công trình ngăn mặn tạm thời trên khu vực sông Cẩm Lệ. UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng chuẩn bị đầy đủ phương án tập kết vật tư, thiết bị để triển khai thi công và hoàn thành trong thời gian không quá 4 ngày...

Theo Danviet