Trong nước

Mở rộng nền kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Thứ tư, 9/10/2019 | 10:30 GMT+7
Kinh tế tuần hoàn mang lại cơ hội trị giá 4,5 nghìn tỷ USD. Cơ hội này sẽ là một thách thức cho đến khi có thêm nhiều lãnh đạo, người dân đón nhận “tư duy kinh tế tuần hoàn”.

Nền kinh tế tuần hoàn chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống “khai thác – sản xuất – tiêu hủy” sang mô hình tái sử dụng có mục đích. Mục tiêu là giữ lại càng nhiều giá trị càng tốt từ các nguồn lực, sản phẩm, thành phần và vật liệu nhằm kiến tạo một hệ thống cho phép tái sử dụng, tân trang, tái sản xuất và tái chế lâu dài, tối ưu.

Theo dữ liệu thống kê của WBCSD (Hội đồng thương mại thế giới vì sự phát triển bền vững), các loại nguyên vật liệu đang sử dụng đã phát thải 20% lượng khí nhà kính toàn cầu, 95% lượng nước sử dụng, 88% khối đất sử dụng. 

Tăng trưởng dân số và kinh tế kéo theo nhu cầu và việc sử dụng tài nguyên tăng cao, tổng nhu cầu tài nguyên dự kiến đạt 130 tỷ tấn vào năm 2050, trong khi đó năm 2014 con số này chỉ là 50 tỷ. Điều này có nghĩa nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ vượt 400% khả năng cung cấp của trái đất. Do đó, việc tiết kiệm nguyên liệu có thể giúp giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, nguồn nước và sử dụng đất. 

Doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn tập trung xem xét lại, hướng đến tạo ra các sản phẩm, dịch vụ dựa trên yếu tố độ bền, khả năng tái tạo, tái sử dụng, sửa chữa, thay thế, nâng cấp, tân trang và ít tiêu thụ nguyên liệu. 

Mới đây, Chương trình gặp gỡ và đối thoại về kinh tế tuần hoàn – từ góc nhìn quốc tế đến tiềm năng triển khai tại Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Ông Ernesto Hartikainen, chuyên gia cấp cao về kinh tế tuần hoàn SITRA chia sẻ về kinh nghiệm của Phần Lan trong quá trình chuyển đổi thành công từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Theo ông, điều quan trọng để phát triển nền kinh tế tuần hoàn là sự nhận thức của người dân, chính phủ và doanh nghiệp.

Các chuyên gia tham gia thảo luận về những kinh nghiệm, vướng mắc trong quá trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong nước và quốc tế

Sự lãnh đạo mạnh mẽ có tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp và nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, cũng như giúp đạt được mức tăng trưởng kinh tế bền vững mới. “Việc đề ra chính sách khuyến khích phát triển nền kinh tế tuần hoàn đã được đề ra từ rất lâu, tuy nhiên chưa đạt được hiệu quả là do các chính sách chưa giải quyết được vấn đề tiểu tiết trong thực tiễn, tạo nên những vướng mắc cho người dân, điển hình là người nông dân”, Tiến sĩ Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nói.

Về phía người dân, nhận thức về nền kinh tế tuần hoàn chưa cao. Người dân còn có suy nghĩ thích dùng sản phẩm mới, bài trừ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng nên để phát triển nền kinh tế tuần hoàn trước tiên phải thay đổi nhận thức của người dân. Ông Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện từ rất lâu ở Việt Nam. Trước đây, trong nông nghiệp đã có mô hình vườn – ao - chuồng, trong lâm nghiệp có mô hình “sản xuất sạch hơn”. Gần đây trong ngành chế biến thủy sản cũng đã có những mô hình tái sử dụng chế phẩm mà trước đây sẽ bỏ đi… Tuy nhiên, khái niệm kinh tế tuần hoàn không chỉ là tận những phế phẩm mà còn là sự thiết kế lại chất thải để có thể sử dụng vào các quy trình sản xuất khác”.

Ông Ernesto Hartikainen cũng cho rằng, ở Việt Nam đã có những mô hình của kinh tế tuần hoàn, đó là Grab, những ứng dụng liên kết xã hội trên các thiết bị điện tử thông minh. Ông chia sẻ, các nước châu Âu gặp phải một số vấn đề nam giải như vật liệu chỉ được sử dụng một lần, 92 - 98% ô tô đứng yên, thời gian văn phòng bỏ trống chiếm 60%, 1/3 thực phẩm bị lãng phí… Điều này có thể giải quyết khi áp dụng các ứng dụng liên kết. Điển hình như ứng dụng Grab ở Việt Nam. Với ứng dụng này thì một chiếc xe ô tô sẽ được sử dụng liên tục, được tiếp cận với những người có nhu cầu, tránh sự lãng phí khi sản phẩm sản xuất mà không được sử dụng như ở các nước châu Âu.

Cũng theo ông Ernesto Hartikainen, Phần Lan đang áp dụng chiến lược bán dịch vụ chứ không bán sản phẩm. Ví dụ, thay vì bán bóng đèn thì các công ty, doanh nghiệp sẽ bán dịch vụ chiếu sáng. Mỗi chiếc bóng đèn đều có tuổi thọ riêng, khi mức độ chiếu sáng thấp đi, chúng sẽ bị thay thế. Điều này gây nên lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, các công ty đã thay đổi chiến lược, bán dịch vụ chiếu sáng. Họ sẽ lắp đặt và bảo đảm về chiếu sáng cho các gia đình. Những chiếc bóng đèn sẽ được lắp đặt phù hợp với từng địa điểm, điều kiện ánh sáng khác nhau, điều này giúp tận dụng được lâu nhất về tuổi thọ của những chiếc bóng đèn. Hơn hết việc thu gom loại rác thải này sẽ được tập trung và tái chế cho các mục đích khác.

Ông Ernesto Hartikainen, chuyên gia cấp cao về kinh tế tuần hoàn SITRA phát biểu tại chương trình

Có thể nói, việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra những thay đổi sâu rộng nhất về kinh tế, xã hội và môi trường. Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế mạnh trong khu vực và thế giới, việc áp dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn sẽ là đòn bẩy lớn cho sự phát triển. 

Kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện ở Việt Nam, tuy nhiên người dân chưa hiểu đúng về bản chất vấn đề. Do vậy, trước tiên cần có những thay đổi từ chính sách của nhà nước, sau đó là sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

“Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh doanh mang lại lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp, mang lại lợi ích về môi trường cho xã hội và mang lại lợi ích về sức khỏe cho cộng đồng xung quanh. Vì vậy, mô hình knh tế tuần hoàn đáng được áp dụng và cần được áp dụng cho các doanh nghiệp”, ông Phạm Hoàng Hải, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam nhấn mạnh.

Thanh Bảo