Đời sống, xã hội

Một phần tư dân số thế giới đang phải đối mặt với căng thẳng về nguồn nước

Thứ hai, 12/8/2019 | 09:00 GMT+7
Trong 17 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ cao, các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và đô thị ở những nước đó đang ngốn tới 80% lượng nước trên bề mặt và nước ngầm trung bình mỗi năm.

Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) mới đây đã công bố Bản đồ rủi ro nguồn nước Aqueduct (Aqueduct Water Risk Atlas) nhằm giúp các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như chính phủ xác định, đánh giá những sự rủi ro về nguồn nước trên toàn thế giới. Bản đồ Aqueduct của WRI phát hiện ra rằng có 17 quốc gia, chiếm một phần tư dân số thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ rất cao. Công cụ này đã xếp loại căng thẳng về nguồn nước, rủi ro về hạn hán và rủi ro về lũ lụt ven sông ở 189 quốc gia và các địa phương như các bang, tỉnh. Aqueduct sử dụng một phương pháp mạnh mẽ, đã được thẩm định và sử dụng những thông tin sẵn có tốt nhất để tạo ra những bản đồ toàn cầu tùy biến. Mô hình thủy văn cập nhật của Aqueduct cho thấy một bức tranh về rủi ro nguồn nước chính xác và chi tiết hơn bao giờ hết. Đây là nền tảng đã được sử dụng bởi hơn 50.000 người và 300 công ty hàng năm.

Bản đồ Aqueduct đánh giá tình trạng căng thẳng nguồn nước ở khu vực châu Á và châu Mỹ

Tiến sỹ Andrew Steer, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của WRI cho biết: “Căng thẳng về nguồn nước là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà không ai nhắc tới. Hậu quả của nó có thể nhìn thấy rõ ràng như mất an ninh lương thực, xung đột và di cư, sự bất ổn về tài chính… Nếu thất bại trong việc hành động có thể sẽ gây ra những tốn kém khá lớn trong cuộc sống và sinh kế của con người”.

Danh sách 17 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ rất cao (>80%) bao gồm: Qatar, Israel, Lebanon, Iran, Jordan, Libya, Kuwait, Saudi Arabia, Eritrea, United Arab Emirates, San Marino, Bahrain, India, Pakistan, Turkmenistan, Oman, Botswana.

Tình trạng khan hiếm nước trầm trọng ở Ấn Độ

Ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA) - khu vực có 12 trong số 17 quốc gia phải đối mặt với những áp lực lớn về nguồn nước, các chuyên gia đã chỉ ra tình trạng khan hiếm nước là nguyên nhân chính gây ra xung đột và di cư. Xếp thứ 13 trong danh sách các quốc gia có tình trạng thiếu nước ở mức độ cao của Aqueduct, Ấn Độ có dân số lớn gấp ba lần tổng dân số của 16 quốc gia khác trong danh sách này cộng lại. Miền Bắc Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm nghiêm trọng và lần đầu tiên khu vực này được mô phỏng trên bản đồ Aqueduct và đưa vào các tính toán về căng thẳng nguồn nước.

“Cuộc khủng hoảng nguồn nước tại Chennai gần đây đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu, tuy nhiên nhiều khu vực khác ở Ấn Độ cũng thường xuyên phải trải qua tình trạng căng thẳng về nguồn nước”, Shashi Shekhar, cựu Thư ký Bộ Tài nguyên Nước Ấn Độ, chuyên gia cao cấp tại WRI Ấn Độ cho biết.

Thế giới đang chứng kiến hàng loạt các cuộc khủng hoảng về nguồn nước, được biết đến với tên gọi là “Day Zero” (Ngày không nước). Tình trạng thiếu nước ở các thành phố này chỉ là một vài ví dụ về tác động của tình trạng thiếu nước đến con người, sinh kế và doanh nghiệp trên toàn cầu.

WRI là một tổ chức nghiên cứu toàn cầu trải rộng trên 60 quốc gia với các văn phòng ở Brazil, Trung Quốc, châu Âu, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Hơn 800 chuyên gia và nhân viên của tổ chức làm việc chặt chẽ với các nhà lãnh đạo để biến những ý tưởng lớn thành hành động ở phạm vi môi trường, cơ hội kinh tế và sự hạnh phúc của con người. 

Aqueduct được hỗ trợ bởi Aqueduct Alliance, một liên minh gồm các công ty, chính phủ và các quỹ hàng đầu làm việc với WRI để cải thiện việc quản lý nguồn nước một cách bền vững. Dữ liệu của Aqueduct được phát triển thông qua sự hợp tác với các đối tác nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Delft, Deltares, Đại học Utrecht, Viện Nghiên cứu Môi trường (IVM), Cơ quan Môi trường Hà Lan PBL và RepRisk.   

Thanh Tâm