Năng lượng sạch

Năng lượng tái tạo: Sẵn sàng đón dòng đầu tư

Thứ năm, 9/8/2018 | 14:15 GMT+7
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Các chuyên gia cho rằng, nếu có cơ chế khuyến khích đầu tư hợp lý thì giai đoạn sau năm 2020, Việt Nam sẽ không lo thiếu điện, bởi công nghệ xây dựng các nguồn điện từ gió và mặt trời có tiến độ hoàn thành rất nhanh.

Hiện nay, nguồn năng lượng truyền thống đang suy giảm dần do trữ lượng có hạn và nhu cầu sử dụng ngày càng lớn. Do đó, việc tăng cường đầu tư cho NLTT là một trong các giải pháp tối ưu. Đánh giá về tiềm năng phát triển NLTT tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho biết, nước ta có tiềm năng lớn về phát triển NLTT do tài nguyên có sẵn, phân bố khắp đất nước. Cụ thể, ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30 GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng 100 GW công suất điện gió. Còn với năng lượng mặt trời (NLMT), có thể lắp đặt các tấm pin NLMT ở nhiều vùng khác nhau như trên bờ biển, hồ nước, đồng bằng, rừng núi, mái nhà… Nếu tính trung bình, cứ khoảng 1 ha thu được 1 MW điện mặt trời, Việt Nam có thể sản xuất ra hàng chục ngàn MW công suất từ bức xạ NLMT…

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Vy khẳng định: "Cần có cơ chế để thúc đẩy các dự án NLTT. Điện mặt trời có thể xây dựng rất nhanh nếu có cơ chế đặc biệt và sớm phê duyệt. Ước tính từ lúc lập dự án cho đến khi đưa vào vận hành chỉ trong 1 năm".Một yếu tố thuận lợi khác là những tiến bộ công nghệ đang giúp làm giảm đáng kể chi phí phát triển NLTT. Tại Việt Nam, chi phí đầu tư cho mỗi MW điện gió khoảng 3,5 triệu USD trước năm 2010 và đã giảm xuống còn 2,0 - 2,5 triệu USD giai đoạn 2015 - 2016. Con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,5 triệu USD/MW trong giai đoạn 2020 - 2025. Trong khi chi phí cho 1 tấm pin mặt trời sử dụng công nghệ hiện tại cũng giảm từ 3 - 4 USD/Wp từ 5 năm trước xuống mức thấp nhất là 0,5 USD/Wp. Đặc biệt, theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 9,35 cent/kWh. Điều này đã "tiếp sức" nhà đầu tư đổ vốn làm điện mặt trời với tổng công suất các dự án đăng ký lên tới gần 20.000 MW.

Trước vấn đề này, PGS-TS. Tạ Cao Minh - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam - cho rằng, để thúc đẩy phát triển NLTT tại Việt Nam, cần quyết liệt thực thi các chính sách của nhà nước, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, giúp các nhà đầu tư tiếp cận các dự án NLTT. Bên cạnh đó, cần có lộ trình cụ thể và dài hạn về phát triển NLTT; xác định vai trò của nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hộ sản xuất và tiêu thụ NLTT. Ngoài ra, cần nâng cao kiến thức và đào tạo nguồn nhân lực cho NLTT.

Theo báo Công Thương