Năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo giúp Ninh Thuận bứt phá

Thứ sáu, 24/7/2020 | 09:04 GMT+7
Chỉ sau hơn 2 năm triển khai thực hiện các chính sách mới của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo, ngành năng lượng trở thành điểm sáng kinh tế, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận.

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 vừa diễn ra, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023 đã tiếp sức và là đòn bẩy rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bứt phá, hiệu quả. 

Theo đó, chỉ sau hơn 2 năm triển khai thực hiện các chính sách mới của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo, ngành năng lượng trở thành điểm sáng kinh tế, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: đưa tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 13,18% và 6 tháng 2020 đạt 8,4%, nằm trong Top cao của cả nước; thu ngân sách đạt 4.300 tỷ năm 2019, tăng gấp 2 lần so với năm 2016, vượt trước 3 năm chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra (2.800 – 3.000 tỷ đồng). Ngành năng lượng tái tạo cũng tạo động lực lan tỏa để phát triển thị trường bất động sản, công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ của tỉnh, khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất hoang hóa, khô cằn, góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ quản lý, vận hành nhà máy năng lượng kết hợp phục vụ hoạt động sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân. Ninh Thuận trở thành tỉnh đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo của cả nước, biến những khó khăn bất lợi thành lợi thế phát triển bền vững. 

Một dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận

Đặc biệt, Ninh Thuận là địa phương đầu tiên chủ động tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành trung ương cho cơ chế để tư nhân tham gia đầu tư, tham gia phát triển hạ tầng truyền tải 500 kV kết hợp dự án điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam do Công ty CP Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư. Sau 3 tháng thực hiện, đến nay, dự án đã đạt hơn 80% tổng tiến độ, dự kiến đưa vào vận hành tháng 9/2020. 

Với chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo cả nước; đồng thời với vị trí nằm giữa các tỉnh có tiềm năng lợi thế nhất của cả nước về phát triển năng lượng tái tạo; hạ tầng các khu công nghiệp mới bắt đầu hình thành; hạ tầng cơ bản cảng nước sâu, cảng hàng không (cách sân bay Cam Ranh 65 km); có hệ thống đường sắt di qua và cao tốc TPHCM - Nha Trang chuẩn bị khởi công, Ninh Thuận đáp ứng đầy đủ yêu cầu để thu hút và phát triển ngành công nghiệp chế tạo năng lượng theo định hướng Nghị quyết 55. Qua đó, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có cơ chế xác định Ninh Thuận là một trung tâm cụm ngành năng lượng quốc gia để tập trung có cơ chế chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp chế tạo cả nước.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, tại đầu cầu Hà Nội, tỉnh Ninh Thuận và Công ty CP Tập đoàn Trung Nam đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển dự án điện khí tại Cà Ná.

Cẩm Hạnh