Đời sống, xã hội

Nắng nóng dân đô thị dễ bị sốc nhiệt

Thứ ba, 6/6/2017 | 09:35 GMT+7
Ngày 5/6, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhà tang lễ của bệnh viện tiếp nhận cụ bà khoảng 70 tuổi tử vong do say nắng. Ở nhiều bệnh viện khác, lượng bệnh nhân vào khám và điều trị đều tăng khoảng 20%. Bác sĩ cảnh báo, người dân ở đô thị dễ bị sốc nhiệt.

Cụ bà 70 tuổi tử vong vì say nắng

Những người chứng kiến sự việc cho biết, lúc đó cụ bà đi xe máy theo hướng Xã Đàn ra ngã tư Ô Chợ Dừa. Khi đến khu vực đoạn giữa phố Xã Đàn, cụ bà ghé vào bên đường rồi gục xuống. Thấy vậy, người dân khu vực đã nhanh chóng sơ cứu và gọi cấp cứu. Sau ít phút lực lượng cấp cứu 115 của Hà Nội có mặt nhưng xác định nạn nhân đã tắt thở. Nơi xảy ra sự việc gần nhà nạn nhân, đến 10h 40 phút cùng ngày, lực lượng chức năng cùng gia đình đã đưa thi thể cụ bà về nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai để khám nghiệm. Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy rất có thể thời tiết nắng nóng là một trong nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này.

Nhiệt độ tăng quá cao, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi giảm, nắng nóng gay gắt cũng khiến nhiều người cao tuổi không thích nghi được, nên đổ bệnh. Vì thế, số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Lão khoa gia tăng trong những ngày vừa qua. Bệnh nhân đến khám chủ yếu là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da dị ứng gây ngứa và bệnh đường tiêu hóa...Ở nhiều bệnh viện khác, lượng bệnh nhân vào khám và điều trị đều tăng khoảng 20%, chủ yếu là các bệnh viêm phổi, sốt xuất huyết, tiêu chảy. Nắng nóng kéo dài làm xuất hiện tình trạng nhiều người bị mất nước, rối loạn điện giải, say nóng, say nắng đến mức hôn mê, co giật.

Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ khuyến cáo không nên cho trẻ ra ngoài trời vào những ngày nắng nóng, đặc biệt từ 10-16h là thời điểm nắng dữ dội nhất.

Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng lịch sử

Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng lịch sử

Hiệu ứng đảo nhiệt

TS Lương Quốc Chính, Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống trong các căn hộ hoặc nhà thiếu điều hòa không khí hoặc nhà không được thông khí tốt.

TS Chính cho biết: “Nếu bạn sinh sống ở khu vực đô thị, bạn có thể đặc biệt dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài, đặc biệt nếu chất lượng không khí kém và không có gió. Hiện tượng “hiệu ứng đảo nhiệt” (nhựa đường và nhà kho bằng bê tông bị đốt nóng vào ban ngày và chỉ tỏa dần nhiệt vào ban đêm) làm cho nhiệt độ ban đêm cao hơn”.

Các chuyên gia y tế tư vấn, nếu nghi ngờ ai đó bị say nắng, người dân hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Trong khi đợi y tế đến, cần khẩn trương đưa nạn nhân tới nơi có điều hòa hoặc ít nhất là chỗ râm mát và cởi bỏ các quần áo không cần thiết. Nếu có thể, nên đo nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân rồi sơ cứu để hạ nhiệt độ cơ thể xuống còn 38,3-38,8 độ C. Trường hợp không có nhiệt kế, tiến hành sơ cứu ngay bằng các phương pháp làm mát như quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể. Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát hay bồn tắm nước đá. Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, có thể gọi điện tới các phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.

Theo Tiền Phong