Sản phẩm, công nghệ

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN

Thứ sáu, 10/7/2020 | 11:01 GMT+7
Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có buổi làm việc với Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT).

Việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN được thực hiện với mục tiêu: xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng nhằm mục đích đưa EVN thành Tập đoàn mạnh, phát triển bền vững, hiệu quả, có dịch vụ khách hàng tốt, phấn đấu trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực.

Để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đó của EVN, EVNICT sẽ thực hiện một số nhiệm vụ như: xây dựng mô hình doanh nghiệp số trong lĩnh vực điện lực và lộ trình chuyển đổi số cho EVN; triển khai giải pháp tích hợp và quản trị dữ liệu dùng chung; xây dựng hệ thống EVN Cloud; triển khai hệ thống hỗ trợ ra quyết định (BI) khai thác dữ liệu từ hệ thống phần mềm dùng chung ERP, PMIS, HRMS, đầu tư xây dựng... Bên cạnh đó, EVNICT cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu, phân tích hành vi, xu hướng, dự báo và nhu cầu của khách hàng thông qua tập các cuộc gọi tới trung tâm chăm sóc khách hàng nhằm tối ưu hiệu suất hoạt động; tin học hóa quy trình sửa chữa bảo dưỡng thiết bị điện theo phương pháp RCM; xây dựng ứng dụng trên di động phục vụ người lao động để sử dụng cho cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn.

Buổi làm việc của EVN với EVNICT do Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành chủ trì

Theo ông Nguyễn Minh Khiêm, Giám đốc EVNICT, EVNICT có 3/7 nhiệm vụ phải hoàn thành ngay trong năm 2020 và đầu năm 2021: tin học hóa quy trình sửa chữa bảo dưỡng thiết bị điện theo phương pháp RCM/CBM; triển khai hệ thống hỗ trợ ra quyết định (BI) khai thác dữ liệu từ hệ thống phần mềm dùng chung ERP, PMIS, HRMS, đầu tư xây dựng; xây dựng ứng dụng trên di động phục vụ người lao động để sử dụng cho cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn. Hiện EVNICT đã nỗ lực đảm bảo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ/đề án. Tuy nhiên, do công nghệ mới, phức tạp, yêu cầu khả năng mở rộng cao nên đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu, dựng mô hình thử nghiệm để đánh giá mức độ khả thi trước khi trình EVN phê duyệt. Đồng thời, chưa có nhiều đơn vị trong và ngoài nước có kinh nghiệm về chuyển đổi số đặc thù trong ngành điện; chưa có cơ chế chi phí cho các công tác thử nghiệm trước khi đưa vào áp dụng.

Do đó, lãnh đạo EVNICT đề xuất Tập đoàn chủ trì tổ chức hội thảo, trao đổi về đề xuất thực hiện đề án “Xây dựng mô hình doanh nghiệp số trong lĩnh vực điện lực và lộ trình chuyển đổi số cho EVN”, định hướng dẫn dắt cho toàn bộ công tác chuyển đổi số của Tập đoàn.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đánh giá cao nỗ lực của EVNICT khi triển khai các nhiệm vụ 4.0. Đồng thời, yêu cầu EVNICT phải thể hiện vai trò là “kỹ sư trưởng” trong công tác xây dựng, triển khai lộ trình chuyển đổi số của EVN. Chủ tịch HĐTV EVN cũng có chỉ đạo cụ thể cho việc triển khai từng nhiệm vụ/đề án của EVNICT; đồng thời yêu cầu nghiên cứu mô hình hoạt động của EVNICT để phù hợp công tác chuyển đổi số.

Tiến Đạt