Đời sống, xã hội

Ngôi trường đặc biệt, thu học phí bằng rác, đi học được trả công

Thứ hai, 22/7/2019 | 10:37 GMT+7
Akshar là một ngôi trường đặc biệt ở Ấn Độ. Thay vì thu học phí bằng tiền, ngôi trường này thu học phí bằng rác thải nhựa được học sinh mang từ nhà tới.

Chia sẻ với tờ Bored Panda, đồng sáng lập ngôi trường - ông Mazin Mukhtar cho biết, ông và vợ nảy ra ý tưởng này khi họ gặp nhau ở New York vào năm 2013. ‘Chúng tôi đều mơ ước về một ngôi trường được thiết kế đặc biệt dành cho trẻ em nghèo. Chúng tôi thành lập Akshar vào năm 2016’.

Ban đầu khi xây dựng trung tâm tái chế rác thải, các phụ huynh không mấy hợp tác với họ. Sau đó, họ nảy ra ý tưởng thu học phí bằng rác thải nhựa để khuyến khích phụ huynh tái chế.

Trước khi thực hiện chính sách này, ngôi trường đã miễn học phí cho học sinh trong nhiều năm.

Trên thực tế thì việc đề nghị học sinh thu gom rác thải nhựa mang tới trường giống như một bài tập về nhà với các em hơn là một khoản học phí. Nhưng hình thức kêu gọi nộp rác thải thay cho học phí sẽ giúp nhắc nhở các phụ huynh rằng: ngôi trường này hoàn toàn miễn phí nhưng ít nhất bạn có thể làm điều gì đó để giúp chúng tôi và giúp chính gia đình mình bằng cách mang rác thải nhựa đã phơi khô, rửa sạch đến đóng góp cho trường.

Học sinh mang rác thải nhựa đến trường thay cho tiền học phí

‘Tôi vẫn nhớ cái cảm giác các lớp học tràn đầy khói độc khi có ai đó đốt rác thải nhựa gần trường để sưởi ấm. Chúng tôi muốn thay đổi điều đó. Vì thế, chúng tôi bắt đầu khuyến khích học sinh mang rác thải nhựa tới trường, coi như đó là khoản học phí’ – chị Parmita Sarma, một trong những đồng sáng lập ngôi trường chia sẻ.

Được biết trước khi ngôi trường này được thành lập, hầu hết trẻ em đều làm công nhân ở các mỏ đá gần đó. Ở đây, chúng sẽ kiếm được khoảng 2,5 USD/ ngày.

Trường cũng khuyến khích các học sinh lớn dạy lại các em nhỏ và chúng sẽ được trả một chút tiền công để mua đồ ăn vặt, giấy và quần áo.

Trường cũng dạy cho học sinh và phụ huynh về những tác hại của nhựa. Theo Parmita, nhiều phụ huynh thường đốt nhựa để sưởi ấm. Khi trường bắt đầu tuyên truyền cho cộng đồng, họ bị ‘sốc’ khi biết về những mối nguy hiểm của hành động đó đối với bọn trẻ.

Khi được hỏi về phương pháp dạy và học ở ngôi trường này, Mazin nói: ‘Chúng tôi dùng lao động trẻ em để chống lại lao động trẻ em. Những đứa trẻ nghèo cần kiếm tiền để được đến trường, học và kiếm tiền đi đôi với nhau. Chúng tôi thuê bọn trẻ làm gia sư kiêm nhân viên xã hội. Điều đó đảm bảo rằng những đứa nhỏ sẽ được kèm cặp hằng ngày bởi đứa lớn.

Học sinh lớn hướng dẫn học sinh bé trong việc học

Học sinh của chúng tôi học càng nhiều thì càng kiếm được nhiều tiền. Chúng tôi trả công cho bọn trẻ dựa trên những kỹ năng và kiến thức của chúng. Chúng tôi cũng có hình phạt nếu chúng có hành vi xấu. Khi những đứa nhỏ lên lớp thì những đứa lớn được tăng lương’.

Ở đây, bọn trẻ được học tiếng Anh, Toán và Khoa học, nhưng lên cấp trung học, chúng sẽ được học các kỹ năng nghề như: mộc, thêu, tái chế rác thải, nhiếp ảnh. Tới đây, trường sẽ có lớp dạy kỹ thuật về năng lượng mặt trời.

Ngôi trường cũng làm nhiệm vụ tìm cho học sinh của mình một trường đại học hoặc một trường nghề phù hợp. Tham vọng của họ là sẽ phát triển một hệ thống giáo dục xuyên suốt từ lúc học cho tới lúc làm nghề.

Ban đầu, ngôi trường chỉ có 20 học sinh. Bây giờ, con số đã lên tới 110 học sinh.

Mỗi học sinh sẽ mang tới trường khoảng 25 món rác thải nhựa mỗi tuần.

‘Ban đầu, hầu hết các cậu bé đều bỏ học để đi làm. Bây giờ, chúng kiếm được tiền ở trường bằng cách dạy cho bọn nhỏ và vận hành trung tâm tái chế của chúng tôi sau giờ học’.

Những nam sinh này sẽ nén hàng chục chiếc túi nhựa vào trong chiếc chai nhựa để làm ‘gạch sinh thái’. Những viên gạch này được dùng để xây dựng cùng với xi-măng. Bồn cây nhỏ này được xây từ gần 200 chiếc vỏ chai nhựa và 4.000 chiếc túi nhựa.

Bên cạnh những giờ học, trẻ em tham gia làm gạch sinh thái hỗ trợ cho trung tâm tái chế của trường

Tới đây, trường còn có kế hoạch xây một nhà vệ sinh nữ với thiết kế phức tạp hơn bằng cách sử dụng cả gạch thông thường và gạch sinh thái.

Theo Vietnamnet