Điện hạt nhân

Nhà máy hạt nhân: Thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị

Thứ tư, 21/9/2016 | 13:58 GMT+7
Với công nghệ tiên tiến, an toàn, việc xây dựng và vận hành các nhà máy Điện hạt nhân không chỉ bổ sung nguồn năng lượng đáng kể cho quốc gia mà còn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại khu vực.

Thành phố Novovoronezh  (Nga) sở hữu  nhà máy điện hạt nhân cùng tên áp dụng công nghệ hạt nhân thế hệ 3+ với lò phản ứng VVER-1200.

Một trong những nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ

Theo ông Vladimir Leschenko, Phó Chủ tịch thành phố, trước sự xuất hiện của điện hạt nhân vào những năm 1960, Novovoronezh chỉ là một thành phố nghèo. Thế nhưng hiện nay nó đã trở thành một thành phố phát triển năng động, được hỗ trợ chủ yếu bởi nền công nghiệp chủ chốt - nhà máy hạt nhân. Trong năm 2015, nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh chiếm 24,7% trên tổng số doanh thu thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế đất) và phi thuế (tiền thuê đất) của ngân sách thành phố. Khoản thu này đã giúp thành phố tài trợ cho các dự án khác với tổng tiền hơn 1 tỷ RUB (hơn 15 triệu USD).

"Chúng tôi cũng đã xây dựng các trường học mới và các cơ sở thể dục thể thao. Việc xây dựng các tổ máy mới của nhà máy điện hạt nhân, nhà ở, các doanh nghiệp và việc làm mới cũng theo đó phát triển, cùng tiêu chuẩn phúc lợi chung tăng lên đều đặn" - ông Vladimir Leschenko nói.

Một ví dụ tiêu biểu nữa cho sự đóng góp của nhà máy điện hạt nhân tới sự phát triển trong khu vực là nhà máy điện hạt nhân Kudankulam tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ theo hiệp định giữa Nga và Ấn Độ. Dự án năng lượng hạt nhân Kudankulam dự kiến xây dựng 6 tổ máy sử dụng lò phản ứng VVER-1000. Tổ máy số 1 hiện đang vận hành hết công suất. Tổ máy số 2 vừa hòa lưới điện vào ngày 29/8/2016.

Theo Giám đốc dự án nhà máy điện hạt nhân Kudankulam, R.S. Sundar, nhà máy này đã dành 127 triệu RUB (tương đương 20 triệu USD) để phát triển cơ sở hạ tầng ở các làng xã xung quanh khu vực dự án. Ngoài ra 120 triệu RUB (tương đương 19 triệu USD) được dành cho các chương trình phát triển nhà ở tại khu vực của nhà máy, xây dựng hơn 10.000 ngôi nhà.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhà máy điện hạt nhân Kudankulam đã dành 10 triệu RUB (tương đương 1,5 triệu USD) cho 300 dự án, bao gồm xây dựng thêm các lớp học tại nhiều trường học, nước uống sạch, và nhiều hoạt động khác. Dự án điện hạt nhân Kudankulam tạo ra hơn 10.000 việc làm mới trong khu vực, cả trong việc vận hành nhà máy lẫn việc sản xuất thiết bị.

Lịch sử phát triển, điển hình như của thành phố Novovoronezh, của bang Tamil Nadu và nhiều thị trấn vệ tinh và khu vực xung quanh các nhà máy hạt nhân trên toàn thế giới đã chứng minh rõ ràng rằng các nhà máy hạt nhân chính là bánh lái quan trọng trong việc phát triển đô thị tại các khu vực này.

Theo nhiều chuyên gia hạt nhân, với bất cứ quốc gia nào, nhất là những nước đang phát triển, tầm quan trọng của ngành năng lượng hạt nhân không chỉ giới hạn ở việc cung cấp năng lượng mà còn là một sự đột phá về công nghệ. Công nghệ hạt nhân luôn luôn là chất xúc tác cho sự phát triển của khoa học kĩ thuật, điều thiết yếu cho các nền kinh tế mới nổi. Ngành công nghiệp hạt nhân chính là tấm vé miễn phí để nâng tầm cho “câu lạc bộ hạt nhân”, nâng cao danh tiếng của những quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân, thúc đẩy dự phát triển của các ngành công nghệ cao, cải thiện chất lượng giáo dục và mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới.

Kinh nghiệm xây dựng nhà máy hạt nhân toàn cầu đã cho thấy rằng cứ mỗi một công việc mới nào trong ngành công nghệ hạt nhân sẽ tạo ra 10 công việc nữa trong những ngành liên quan như  y tế, thực phẩm, phương tiện vận chuyển... Đã có hàng ngàn công việc mới được tạo ra nhờ có các nhà máy điện hạt nhân, và nhu cầu về nhân lực sẽ còn tăng cao hơn nữa ở xung quanh khu vực có nhà máy. Nhờ vậy, số người dân bản địa có việc làm đã cải thiện rất lớn đến nền kinh tế vĩ mô của quốc gia đó.

Mặt khác, công nghệ hạt nhân đã giải quyết được nhu cầu cấp bách về y học hạt nhân để chữa trị một số những bệnh nguy hiểm như tim mạch hay ung thư. Công nghệ bức xạ đã giúp con người tự bảo vệ khỏi sự đe dọa của khủng bố, cải thiện thu hoạch mùa màng, giải quyết vấn đề thiếu nước sạch. Hay nói cách khác, công nghệ hạt nhân đã góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống một cách đáng kể.

Một dự án nhà máy hạt nhân có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở khu vực và mang lại hợp đồng mới cho những nhà sản xuất và những nhà cung cấp nguyên liệu địa phương. Việc thu mua hàng hóa, công việc và dịch vụ ở địa phương để xây dựng nhà máy hạt nhân có thể chiếm tới 70%. Những công ty sản xuất địa phương có thể thỏa thuận để trở thành nhà thầu và nhà cung cấp cho nhà máy hạt nhân, mở ra một cơ hội tốt để mở rộng quy mô sản xuất.

Đó là lý do tại sao việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại Việt Nam sẽ là một tác động lớn đến sự phát triển của nhiều ngành nghề, bởi một dự án lớn như vậy sẽ có thay đổi đáng kể đến phát triển cơ sở hạ tầng lớn trong cả nước. Việc xây dựng nhà máy hạt nhân sẽ có ảnh hưởng lên sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp và các phân khúc của nền kinh tế quốc gia, chẳng hạn như ngành xây dựng, cơ khí hạng nặng, khoa học vật liệu, giáo dục,… Một dự án nhà máy hạt nhân đi vào hoạt động cũng đồng nghĩa với việc có một khoản thu thuế nhất định cho khu vực trong tương lai, cũng như sự phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường xá và khu vực nhà ở tại đó.

Kết quả là, cả nước sẽ đạt sự ổn định năng lượng điện, có nguồn điện độc lập và bình ổn giá, có động lực trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành liên quan, sự phát triển của giáo dục bởi sự gia tăng trong nhu cầu về kỹ thuật và những nghề nghiệp trong các ngành "kỹ thuật". Bất cứ chính phủ nào suy nghĩ cho thế hệ tương lai cũng đều quan tâm đến các dự án như vậy bởi vì năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng giá rẻ và đáng tin cậy, cung cấp năng lượng không gián đoạn trong vòng 60 - 80 năm tới với chi phí dự đoán  trước.

PV/Đình Dũng