Sức khỏe

Nhận biết và phòng tránh bệnh viêm não, viêm màng não

Thứ năm, 10/9/2020 | 16:38 GMT+7
Mùa nóng và khoảng thời gian giao mùa là lúc cơ thể dễ bị cúm, sốt, đau đầu, nôn trớ… Tuy nhiên, những triệu chứng này liên tục kéo dài lại là dấu hiệu của bệnh viêm não, viêm màng não.

Viêm não, viêm màng não là tình trạng viêm nhiễm của nhu mô não và màng não, là bệnh nguy hiểm có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh do nhiều tác nhân gây nên, nhưng điển hình là do virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, lao… Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc viêm não và viêm màng não do sức đề kháng yếu, dễ nhiễm virus gây viêm não Nhật Bản, Virus Herpes, EV71, sởi, cúm.

Theo các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não, viêm màng não

Các bệnh viêm não, viêm màng não thường không có dấu hiệu điển hình ở giai đoạn sớm, các biểu hiện lâm sàng của bệnh giống các bệnh về đường hô hấp thông thường như sốt, đau đầu, buồn nôn. Các biểu hiện của bệnh ban đầu rất giống với bệnh cúm mùa. Bệnh thường khởi phát đột ngột với những biểu hiện như sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C (có khi đến 40 - 41 độ C), có thể kèm rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, đau cơ, nôn vọt, nhức đầu, co giật. Trong trường hợp nặng, trẻ sẽ li bì, bỏ ăn, bỏ chơi hoặc co giật và cuối cùng là hôn mê.

Viêm não và viêm màng não gặp phải ở trẻ em

Ở giai đoạn sớm của bệnh viêm não, trẻ sốt cao, uống hạ sốt không đỡ. Khi sốt, trẻ còn bị đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ. Với viêm não do virus tay chân miệng, trẻ có thể xuất hiện các bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hay các chấm hoại tử.

Với viêm màng não, ngoài sốt cao, trẻ còn có thể có biểu hiện cứng cổ, nếu còn thóp có thể thấy thóp phồng căng.

Phòng ngừa bệnh

Tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản

Viêm màng não liên quan đến vi khuẩn với 3 loại phổ biến là phế cầu, HIB và não mô cầu, ngoài ra còn có tụ cầu, liên cầu, E.coli... Khi màng ngoài của não bị vi khuẩn tấn công, tỉ lệ tử vong của cơ thể lên tới 50% nếu không được điều trị. Trường hợp được chẩn đoán sớm trong 24 - 48 giờ đầu, tỉ lệ tử vong còn 8 - 15%.

Viêm não thường do virus (chiếm 60%), thường là virus viêm não Nhật Bản, Herpes, virus EV gây bệnh tay chân miệng... Các loại virus gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não. Tỉ lệ tử vong từ dưới 50%, tuy nhiên sẽ để lại các di chứng về thần kinh, vận động.

Do vậy, việc tiêm vaccine và tiêm phòng đầy đủ là cách để hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm não, viêm màng não. Hiện nay ở Việt Nam đã có vaccine ngừa viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ do HIB, vaccine viêm màng não do mô cầu type A, C, vaccine ngừa phế cầu... Ngoài ra để tránh viêm não thứ phát, các bậc cha mẹ cũng nên tiêm phòng đầy đủ cho trẻ các bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, cúm...

Bên cạnh đó, cha mẹ cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ, thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, các chất bài tiết của trẻ phải được thu gom, xử lý hợp vệ sinh... Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

Kim Bảo (t/h)