Quốc tế

Nhiều thành phố trên thế giới có chính sách sử dụng năng lượng tái tạo

Thứ sáu, 19/3/2021 | 09:33 GMT+7
Ấn bản năm 2021 của Báo cáo hiện trạng toàn cầu về năng lượng tái tạo ở các thành phố do Mạng lưới REN21 phát hành cho thấy, hiện có một tỷ người sinh sống ở các thành phố đặt mục tiêu hoặc có chính sách sử dụng năng lượng tái tạo.

Đây là tài liệu duy nhất thống kê những nỗ lực chuyển đổi năng lượng của các thành phố trên toàn thế giới. Số lượng thành phố đã thực thi một phần hoặc hoàn toàn lệnh cấm sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã tăng vọt 5 lần trong năm 2020.

Đây là năm thứ hai REN21 thống kê và đánh giá công cuộc giảm phát thải thông qua sử dụng năng lượng tái tạo của các thành phố trên toàn thế giới nhằm ngăn ngừa ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Hơn một nửa dân số toàn cầu sống ở các thành phố, khu vực chiếm đến 3/4 lượng năng lượng tiêu thụ trên toàn cầu.

Giám đốc điều hành của REN21, Rana Adib cho biết: “Các thành phố với tầm ảnh hưởng khổng lồ của chúng chính là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta khi lên kế hoạch, tiến hành phát triển và xây dựng một tương lai sử dụng năng lượng tái tạo. Nhưng thực tế tiềm năng chuyển đổi của khu vực này lại thường xuyên bị coi nhẹ quá mức. Quá trình hiện thực hoá mục tiêu phát thải carbon thấp ở những môi trường sẵn có và đông đúc, chật chội là hết sức khó khăn. Chính phủ các quốc gia cần trao nguồn lực tài chính, quyền hành và trên hết là quyền lập pháp cho chính quyền cấp địa phương”.

Hiện có một tỷ người sinh sống ở các thành phố trên thế giới đặt mục tiêu hoặc có chính sách sử dụng năng lượng tái tạo

Một yếu tố thiết yếu đảm bảo thành công cho những chiến lược khí hậu của các thành phố chính là nhanh chóng thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo cho nhu cầu sưởi ấm, làm mát cũng như trong giao thông, vận tải. Đây là những lĩnh vực chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất trên toàn cầu và tốt nhất là nên giải quyết chúng ở cấp địa phương.

Báo cáo chỉ ra thông thường một trong những bước đi đầu tiên của các nhà lãnh đạo địa phương là mua điện tái tạo để sử dụng cho các hoạt động công của thành phố. Nhưng theo Adib, như vậy là chưa đủ: “Các thành phố như Hamburg (Đức), San Francisco (Mỹ) và Thượng Hải (Trung Quốc) cho thấy, tham vọng họ càng lớn, họ càng nghĩ nhiều đến áp dụng năng lượng tái tạo ở khắp mọi nơi. Họ áp đặt các quy tắc xây dựng nghiêm ngặt và các yêu cầu tuân thủ việc sử dụng năng lượng tái tạo. Nhưng quan trọng nhất, họ đặt thời hạn chấm dứt sử dụng nhiên liệu khí đốt, dầu mỏ và than đá”.

Đến năm 2020, 43 thành phố đã làm như vậy và đã thực thi lệnh cấm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động sưởi ấm và/hoặc vận chuyển, nhiều hơn gấp 5 lần so với năm 2019. Tổng cộng, một tỷ người - khoảng 1/4 dân số đô thị toàn cầu sống trong các thành phố có đặt mục tiêu hoặc có chính sách năng lượng tái tạo.

Những cuộc phong toả trong năm qua đi kèm với giao thông biến mất đột ngột và lối sống thay đổi hoàn toàn đã giúp bầu không khí trong sạch hơn và môi trường ít ồn ào hơn, nhờ đó người dân được trải nghiệm không khí sạch, bầu trời trong xanh thay vì những con đường đông đúc, bầu trời ô nhiễm. Chính quyền các thành phố hiện đang thúc đẩy sự phát triển này, dịch chuyển khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, đồng thời thiết lập các hệ thống năng lượng sạch và có khả năng chống chịu tốt ở địa phương. 

“Tiếng nói ủng hộ ngày càng lớn của người dân đang đặt ra cho thành phố Santiago nhiệm vụ bắt buộc hành động để đối phó với biến đổi khí hậu. Cư dân của chúng tôi yêu cầu chính quyền phải thực hiện những biện pháp quyết liệt”, Isabel Aguilera, Giám đốc Môi trường thành phố Santiago (Chile) giải thích.

"Tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế phi carbon mang lại cơ hội phát triển kinh tế to lớn cho Orlando và khu vực Trung Florida, trong đó chúng tôi đã bắt đầu thấy một số lực đẩy kích thích nền kinh tế địa phương, cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm tác động môi trường và tạo ra những công việc lương cao thực chất cho cư dân của chúng tôi”, Thị trưởng Buddy Dyer của Thành phố Orlando (Florida, Hoa Kỳ) cho biết.

Đôi khi, bản thân chính quyền các thành phố thậm chí còn có thể thúc đẩy chính phủ trở nên tham vọng hơn như trong các ví dụ gần đây từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong khi báo cáo đưa ra những câu chuyện đáng khích lệ từ tất cả các khu vực trên thế giới, phần lớn các thành phố vẫn chưa tìm ra con đường cụ thể hiện thực hóa tham vọng hoặc thiếu năng lực và nguồn lực để thực hiện điều đó.

REN21 là cộng đồng toàn cầu về lĩnh vực năng lượng tái tạo cho các nhân tố đến từ giới khoa học, chính phủ, tổ chức phi chính phủ và ngành công nghiệp. Mạng lưới cung cấp các dữ kiện, số liệu và phân tích cập nhật và đánh giá khách quan về quá trình phát triển toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ, chính sách và thị trường. Mục tiêu của REN21 là tạo điều kiện cho những nhà hoạch định chính sách thực hiện chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ngay bây giờ.

Báo cáo hiện trạng toàn cầu về năng lượng tái tạo ở các thành phố là báo cáo thống kê hàng năm về quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng tái tạo ở cấp thành phố. Bản báo cáo năm 2021 do hơn 330 chuyên gia thực hiện và được Ủy ban Cố vấn gồm 20 tổ chức bao gồm các mạng lưới thành phố xác nhận.

Lan Anh