Sức khỏe

Những thực phẩm bổ dưỡng cho sĩ tử mùa thi

Thứ năm, 11/6/2020 | 16:26 GMT+7
Mùa thi kề cận khiến nhiều sĩ tử mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, thiếu ngủ… Vì vậy, bổ sung dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe tốt trong bữa ăn hàng ngày rất quan trọng.

Bồi bổ trí nhớ

Nhân sâm

Nhân sâm vị ngọt, tính ấm, có công dụng đại bổ nguyên khí, định tâm ích trí, là vị thuốc - thực phẩm đứng đầu trong nhóm dược liệu có công dụng bổ khí. Nghiên cứu cho thấy, nhân sâm có khả năng cải thiện chuyển hóa của tổ chức não, giúp hưng phấn và tăng cường tính linh hoạt của hệ thần kinh, nâng cao khả năng ghi nhớ. Bởi vậy, nhân sâm cũng là một trong những thực phẩm hữu ích cho việc làm tăng trí nhớ, phòng chống suy nhược thần kinh và chứng hay quên do khí huyết suy nhược.

Hạt hồ đào

Hạt hồ đào có giá trị dinh dưỡng rất cao, cứ mỗi 100g có chứa 58 - 74g chất béo, chủ yếu là các acid béo không no, 18g chất đạm, 10g chất vô cơ, nhiều loại vitamin như: B1, B2, C, E... và các nguyên tố vi lượng như: Ca, P, Fe, Zn, Mg... Hơn nữa, trong hạt hồ đào còn chứa một lượng lớn photpholipid và lysine rất cần cho cấu trúc và hoạt động của não bộ. Bởi vậy, hồ đào là một trong những thực phẩm - vị thuốc rất có lợi cho việc cải thiện khả năng ghi nhớ.

Nấm linh chi

Được mệnh danh là “tiên thảo”, nấm linh chi có công dụng dưỡng tâm an thần, ích khí bổ huyết, kiện não ích trí. Linh chi cũng được biết đến với khả năng hỗ trợ trị liệu rất tốt với những bệnh nhân suy nhược thần kinh, mất ngủ, hay quên... do tâm tỳ hư nhược.

Mật ong

Mật ong rất giàu chất dinh dưỡng, trong đó chứa nhiều loại men, acid amin, các vitamin và nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh trung ương, qua đó cải thiện khả năng ghi nhớ. Mật ong đã quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều cách thưởng thức mật ong, nhưng đơn giản nhất là đều đặn uống 2 thìa cà phê mật ong trước khi đi ngủ.

Trứng chim cút

Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ ích khí huyết, kiện não ích trí. Với giá trị dinh dưỡng rất cao vượt xa so với các loại trứng gia cầm khác, đặc biệt có chứa nhiều leucithin, trứng chim cút là một trong những loại thực phẩm rất hữu ích cho não bộ. Thường được dùng dưới dạng luộc ăn mỗi ngày vài quả, kho thịt, nấu canh bóng hoặc làm nhân bánh bao.

Trị hoa mắt chóng mặt

Vitamin B6

Vitamin B6 là dưỡng chất rất cần thiết để cơ thể tổng hợp protein và chuyển hóa tế bào máu. Bên cạnh đó, nó còn kích thích hệ thần kinh và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả. Kiểm chứng lâm sàng cho thấy, vitamin B6 có thể cải thiện chứng chóng mặt và buồn nôn.

Các loại thực phẩm giàu vitamin B6 có thể kể đến như ngũ cốc, thịt gà, thịt heo, cá hồi, cá ngừ, bơ đậu phộng, các loại đậu, chuối, quả óc chó, cải bó xôi, quả bơ…

Vitamin C

Vitamin C thường có trong trái cây họ cam quýt, sơ ri, dâu tây, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh, khoai lang, củ cải trắng, xoài, đu đủ, dứa, bắp cải, kiwi và rau lá màu xanh đậm.

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y khoa Hiroshima (Nhật Bản) cho biết, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu vitamin C có thể điều trị bệnh Meniere (có liên quan đến chứng chóng mặt) rất hiệu quả.

Một số món ăn bổ khí huyết, trị hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi có thể tham khảo:

Cháo cá trê, đậu đỏ giúp kiện tỳ bổ thận thông huyết, trị kém ăn, mất ngủ, mệt mỏi, chóng mặt hoa mắt, ù tai. 

Canh kỷ tử, đại táo, trứng gà chữa khí huyết suy kém, hoa mắt chóng mặt.

Canh, cháo đậu đỏ, đại táo bổ trung ích khí, bồi bổ trí nhớ, chống suy nhược cơ thể.

Canh óc lợn, táo tàu bổ não hòa huyết dưỡng tâm, giảm phiền muộn, trị hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi.

Canh xương lợn, thịt dê cũng có công dụng trị hoa mắt chóng mặt, ích khí, dưỡng máu, mệt mỏi.

Khả Di (t/h)