Môi trường (old)

Nỗi lo biến đổi khí hậu

Thứ ba, 21/1/2020 | 11:05 GMT+7
Theo dự báo của Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ các nước chưa đạt được như mong đợi.

Cháy rừng Amazon

Dự báo của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Anh (Met Office) dựa trên các quan sát về xu hướng trong những năm gần đây khi thế giới đã trải qua các năm có nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với thời kì tiền công nghiệp và kèm theo những đặc điểm mà các nhà khí tượng học cho là “dấu vết rõ ràng” của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.

Tổ chức Khí tượng thế giới cũng dự báo tương tự trên. Dựa vào các quan sát, phân tích về xu hướng thời tiết trong những năm gần đây khi Trái Đất trải qua nhiều năm có nhiệt độ trung bình cao hơn 1 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, cơ quan dự báo trên cho rằng xu hướng nhiệt độ tăng có thể sẽ tiếp tục vào năm 2020, trừ khi xảy ra các hiện tượng không thể dự báo như một đợt núi lửa phun trào, có tác dụng làm mát (thành phần chính của núi lửa là hơi nước - H2O) nhờ bụi nước bắn vào khí quyển.

Cho đến nay, năm nóng nhất được ghi nhận vẫn là năm 2016, khi hiệu ứng hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra và kể từ những năm sau đó, nhiệt độ chỉ gần mức kỷ lục.

Nếu dự báo là chính xác, thế giới sẽ đến gần hơn với “bờ vực” của sự cố khí hậu vào năm 2020. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu với mức nhiệt cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ có tác động xấu tới hệ thống khí hậu toàn cầu.

Với phương pháp dự báo tương tự như đã đưa ra trong năm 2019, các nhà quan sát dự báo rằng năm 2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 0,99 độ C đến 1,23 độ C. Như vậy mức tăng trung bình ước tính là 1,11 độ C. Ngoài ra, nhiệt độ tăng không đồng đều trên toàn cầu, với sự ấm lên ở Bắc cực nhanh hơn nhiều so với mức trung bình, băng ở Greenland đang tan với tốc độ nhanh gấp 7 lần so với thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới thế giới

Tại Hội nghị lần thứ 25 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) tại Madrid, Vương quốc Tây Ban Nha diễn ra mới đây, bà Patricia Espinosa Tổng thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết các bằng chứng khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và khốc liệt hơn dự tính. Báo cáo IPCC chỉ ra rằng, khu vực Châu Mỹ La tinh và Caribe đã ấm hơn từ 0,7 độ C tới 1,0 độ so với những năm 1970. Tại các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do hiện tượng thời tiết cực đoan như Honduras, Haiti, Dominica, Nicaragua, nền kinh tế đã thụt lùi vài thập kỷ.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cho biết cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để hạn chế nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C. Trong khi đó, để hạn chế nhiệt độ ở ngưỡng an toàn, lượng khí thải CO2 phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng một thập niên tới. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, mục tiêu này dường như không khả thi bởi trong thực tế mức khí thải CO2 mỗi năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới.

Hội nghị COP 25 kết thúc chưa đạt được kết quả như mong đợi. Trong tuyên bố đưa ra ngay sau khi hội nghị COP 25 kết thúc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nhấn mạnh: 'Tôi rất thất vọng về kết quả của COP 25. Cộng đồng quốc tế đã mất đi cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn về giảm nhẹ tác động, tăng cường thích nghi và tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu". 

Hội nghị COP 25 đã kết thúc sau gần 2 tuần họp tại Madrid (kéo dài 2 ngày so với dự kiến) với một tuyên bố chung hết sức khiêm tốn, chỉ thừa nhận "nhu cầu cấp thiết" đối với các những kết cắt giảm khí carbon mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khí thải hiện tại với các mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới 2 độ C. 

  

Linh Giang