Nông nghiệp sạch

Nông sản xuất khẩu hiện phải có mã số vùng trồng

Thứ sáu, 18/9/2020 | 14:49 GMT+7
Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản Việt Nam sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc.

Với mỗi thị trường, các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng có thể khác nhau nhưng tựu chung lại mục tiêu của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói. Cụ thể, việc truy xuất sẽ chỉ ra được các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng, các biện pháp xử lý sinh vật gây hại, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng trên vườn trồng.

Tính đến nay, Việt Nam đã cấp được 998 mã số vùng trồng, trong đó số lượng mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Mỹ (471), Australia và New Zealand (393), Hàn Quốc (199), Thái Lan, Nhật Bản, châu Âu... Ngoài ra, nước ta cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Riêng thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8/2020, Việt Nam đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180.000 ha cho 9 loại quả tươi đã được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói.

Mã số vùng trồng giúp người tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu có thể truy xuất nguồn gốc nông sản

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, mỗi mã số vùng trồng được cấp sẽ có thời hạn. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành giám sát định kỳ để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số sẽ bị thu hồi.

Thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số địa phương còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng; không nhất quán trong quá trình xử lý công việc. Cá biệt có những tỉnh sau khi đề nghị cấp mã số xong không còn quan tâm đến thực tế đang diễn ra ở các vùng được cấp mã số.

Phía doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu. Điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số. Khắc phục thực trạng này, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo hình thành chuỗi liên kết sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.

Mặt khác, Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các quy định của các nước nhập khẩu để chủ động triển khai kế hoạch sản xuất.

Cục sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát lại hiện trạng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và việc sử dụng mã số tại các địa phương để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng các mã số vùng trồng đã cấp.

Kim Bảo