Nửa cuối tháng 11 thời tiết diễn biến thất thường, nhiều loại hình thiên tai

Thứ năm, 14/11/2019 | 09:16 GMT+7
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong nửa cuối tháng 11 khả năng sẽ có 1-2 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và các đợt không khí lạnh gây mưa.

Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết: Trong 10 ngày tới sẽ có 2 đợt không khí lạnh mạnh ảnh hưởng đến nước ta. Đợt 1 bắt đầu từ chiều ngày 13/11 và kéo dài đến khoảng ngày 15/11. Trong đợt này, ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có mưa, trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-19 độ C, vùng núi Bắc Bộ 13-16 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C. Đợt 2 bắt đầu từ ngày 18/11 và kéo dài đến khoảng ngày 21-22/11.

Theo ông Năng, các đợt không khí lạnh này mặc dù chỉ gây ra các đợt rét ngắn ngày cho Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ nhưng sẽ gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 cho toàn bộ khu vực Bắc và giữa Biển Đông, vùng biển Vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Bộ.

Dịp 18/11 sẽ có đợt không khí lạnh rất mạnh sẽ xuất hiện gây mưa lạnh ở miền Bắc và Trung Bộ

Bên cạnh đó, khoảng ngày 17-18/11, trên khu vực Bắc Biển Đông có khả năng xuất hiện một vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Cùng thời điểm này, có đợt không khí lạnh rất mạnh (đợt ngày 18/11) ảnh hưởng nên vùng áp thấp/ATNĐ có xu hướng dịch chuyển nhanh về phía Tây Tây Nam. Diễn biến về cường độ và đường đi của cơn này rất phức tạp vì có sự tương tác với không khí lạnh mạnh.

Ông Năng lưu ý, khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn ở Trung Bộ, trọng tâm tập trung tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên từ ngày 20-21/11. Nguyên nhân đợt mưa này do không khí lạnh liên tục được bổ sung ở tầng thấp, trên cao xuất hiện đới gió Đông mạnh, đồng thời vùng áp thấp/ATNĐ có khả năng kết hợp và tác động đồng thời với các điều kiện trên nên gây mưa lớn.

Trong cả thời kỳ dự báo, tổng lượng mưa (TLM) tại khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 10-30% so với TBNN; khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến cao hơn từ 10-30% so với TBNN cùng thời kỳ. Nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5oC so với TBNN.

Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trên phạm vi hẹp như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh trong cơn dông. Ngoài ra, trên khu vực Biển Đông cần đề phòng gió mạnh do hoạt động của gió mùa Đông Bắc cũng như khả năng hoạt động của xoáy thuận nhiệt đới.

Minh Quang