Năng lượng tái tạo

PVN đặt mục tiêu công suất năng lượng tái tạo đạt khoảng 100MW đến năm 2025

Thứ tư, 24/6/2020 | 14:57 GMT+7
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2025 đạt công suất khoảng 100MW và đến năm 2035 đạt 900 MW.

Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của PVN đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tập đoàn đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2025 đạt công suất khoảng 100MW và đến năm 2035 đạt 900 MW.

Trong bài tham luận gửi tới Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 "Phát triển năng lượng sạch: Xu hướng và thách thức" do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, PVN cho biết, chiến lược phát triển lĩnh vực điện của PVN đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. PVN đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2025 đạt công suất khoảng 100MW, và đến năm 2035 đạt 900 MW.

Thực hiện chiến lược đó, ngày 8/4/2020, PVN đã có Nghị quyết số 1654/NQ-DKVN, chấp thuận chủ trương thành lập mới Công ty CP Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí (PV Power REC). Việc thành lập pháp nhân độc lập sẽ giúp PVN chủ động trong hoạt động giao dịch, xúc tiến đầu tư và thực hiện đầu tư dự án năng lượng tái tạo; huy động nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài; chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi hoàn thành việc đầu tư các dự án và chuyển sang giai đoạn vận hành, khai thác; nâng cao tính năng động, hợp lý hóa hoạt động quản lý, bảo toàn vốn và phát triển nguồn vốn chủ sở hữu.

Trước mắt, PVN nghiên cứu triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời tại lòng hồ Thủy điện Hủa Na, Đakđrink; lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái đối với các nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2… hoặc các nhà máy đạm.

Giai đoạn sau, PVN có thể phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư trong nước và đối tác nước ngoài trong việc thu xếp nguồn vốn, hợp tác triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên toàn quốc; bao gồm các dự án điện mặt trời, gió, điện sinh khối, điện địa nhiệt và điện rác.

Ảnh minh họa

Việc phát triển năng lượng tái tạo của PVN có những thuận lợi như việc triển khai các dự án nhà máy điện mặt trời tại lòng hồ Thủy điện Hủa Na, Đakđrink, nhà máy điện mặt trời trong phạm vi các nhà máy điện như Cà Mau 1 & 2, Nhơn Trạch 1&2, Vũng Áng 1… đã có sẵn mặt bằng triển khai dự án và hệ thống đấu lưới truyền tải sẵn có của các nhà máy. Bên cạnh đó, ngành dầu khí với những lợi thế về kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt các công trình trên biển sẽ có khả năng đóng góp rất lớn cho các dự án điện gió ngoài khơi, góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.

Tuy nhiên, khi phát triển năng lượng tái tạo, PVN cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ. Theo Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm  2025 và định hướng đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1749-QĐ/TTg ngày 14/10/2015, PVN sẽ phát triển thêm một số dự án điện khí; không phát triển thêm các dự án thủy điện, điện than, điện gió… Do đó, việc PVN đầu tư thêm các dự án năng lượng tái tạo cần được cấp có thẩm quyền cho phép.

Trước yêu cầu cấp bách về phát triển năng lượng tái tạo của đất nước nói chung và PVN nói riêng, PVN đã đề ra định hướng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Theo đó, đầu tư các dự án điện mặt trời, nhà máy điện sinh khối và dự án điện gió. Đặc biệt chú trọng các dự án điện mặt trời và những dự án sử dụng năng lượng sinh khối dồi dào tại Việt Nam. Nghiên cứu đầu tư các dự án điện mặt trời tận dụng mặt hồ thủy điện, diện tích có thể lắp đặt tấm pin mặt trời tại những nhà máy điện hiện hữu, bán lên lưới hoặc tự dùng cho nhà máy điện.

Lựa chọn và sử dụng công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện với môi trường, công nghệ có độ tin cậy và an toàn cao, chú trọng xử lý chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam, tích cực tham gia cơ chế phát triển sạch. Trước mắt sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến cho các dự án đầu tư mới như các dự án năng lượng tái tạo.

Tham luận cũng nêu: "Để có được sự phát triển trong lĩnh vực mới là năng lượng tái tạo, PVN rất cần nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ ngành chức năng, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương nơi dự án thực hiện, sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và đối tác nước ngoài trong việc thu xếp nguồn vốn, hợp tác triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên toàn quốc".

Anh Thư