Năng lượng mặt trời

Phát triển điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp ở TPHCM

Thứ sáu, 9/8/2019 | 11:00 GMT+7
Công ty Điện lực Củ Chi trực thuộc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến phát triển điện mặt trời áp mái tại TPHCM. Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 150 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi.

Theo ông Bùi Văn Kha, Giám đốc Công ty Điện lực Củ Chi, hiện nay các nguồn cung cấp điện càng trở nên cạn kiệt. Trong khi đó, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng có tiềm năng để phát triển điện mặt trời áp mái (ĐMTAM). Cụ thể, tại TPHCM hiện có hơn 3.000 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời với tổng công suất gần 40 MWp và tổng điện năng sử dụng dư đã phát lên lưới điện là 6,03 triệu kWh. Trong khi đó, mục tiêu công suất đạt được trong năm 2019 mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao là 50 MWp.

Riêng huyện Củ Chi hiện nay đã có 145 khách hàng lắp đặt ĐMTAM với tổng công suất là 2.267 kWp, trong đó điện năng sử dụng dư đã phát lên lưới điện là 185.000 kWh. Lượng khách hàng lắp đặt ĐMTAM tăng mạnh từ năm 2019 sau khi có văn bản hướng dẫn của Chính phủ về chính sách phát triển điện mặt trời.

Theo Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC Nguyễn Duy Quốc Việt, EVN HCMC đã tổ chức nhiều phương án tuyên truyền nhằm giới thiệu cho khách hàng hiểu rõ về ĐMTAM. Cụ thể, đơn vị đã tổ chức làm việc với các khách hàng tiềm năng như cơ quan, trường học và bệnh viện, khách sạn, doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn để giới thiệu về lợi ích của việc sử dụng ĐMTAM.

Đại diện ngành điện ký kết hợp tác phát triển ĐMTAM với các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi

Tại hội nghị, một số đơn vị đã đưa ra các giải pháp tài chính việc phát triển ĐMTAM công suất lớn. Theo đó, doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng và thế chấp bằng chính hệ thống ĐMTAM đó mà không cần thế chấp bằng tài sản khác. Thậm chí, có đơn vị sẵn sàng đầu tư lắp đặt toàn bộ hệ thống ĐMTAM cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, rồi bán lại tất cả sản lượng điện được tạo ra bởi hệ thống đó cho chính doanh nghiệp có mái với giá rẻ hơn từ 5 - 10% so với giá của điện lực và sau một thời gian sẽ chuyển giao toàn bộ hệ thống cho doanh nghiệp có mái.

Ngoài ra, có đơn vị còn cung cấp dịch vụ bảo hiểm năng lượng điện cho hệ thống ĐMTAM. Theo đó, nếu sản lượng điện thực tế do sụt giảm hơn so với sản lượng điện bảo hiểm thì đơn vị bảo hiểm sẽ bù phần chênh lệch này tính theo giá Nhà nước quy định.

Tại hội nghị, Công ty Điện lực Củ Chi đã ký kết với 4 khu công nghiệp trên địa bàn huyện để cùng phát triển ĐMTAM trong các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp này.

Nhã Quyên