Phát triển điện than: Đi ngược xu hướng?

Thứ hai, 2/4/2018 | 10:53 GMT+7
Trong khi thế giới năm thứ hai liên tiếp giảm số lượng nhà máy điện than, thì Việt Nam lại coi đây là ngành tạo điện chủ lực. Ô nhiễm không khí đang gây thương vong vài chục nghìn người mỗi năm, thực sự là cấp nhân báo động.

Thế giới giảm điện than

Tổng hội Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm vừa công bố một báo cáo về phát triển điện than cho thấy, năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp số lượng các nhà máy điện than toàn cầu giảm mạnh, chủ yếu tại Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục là điểm nóng của điện than khi không có nhà máy điện than nào được xây dựng nhưng “tiềm năng” lại là một số lượng lớn các dự án được đề xuất trong giai đoạn phát triển.

Cụ thể, tại Trung Quốc, từ năm 2015 tới 2017, công suất xây dựng mới nhà máy điện than giảm 73% do chính phủ Trung Quốc ban hành các chính sách hạn chế phát triển điện than. Tại Ấn Độ, do chính phủ thắt chặt tài chính tư nhân nên đã có 17 dự án đã và đang thi công bị “đóng băng” vô thời hạn. 

Ngoài ra, tổng hợp trên thế giới nhóm dự án điện than mới hoàn thành tính tới cuối năm 2017 đã giảm 28% so với năm 2018 (giảm 41% trong hai năm qua). Công suất của nhóm dự án khởi công xây dựng năm 2017 giảm 29% so với năm 2018 (giảm 73% trong hai năm qua) và công suất của nhóm dự án được cấp phép và trong quy hoạch giảm 22% (giảm 59% trong hai năm qua).

Báo cáo của Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm cũng xác nhận một kỷ lục về tổng công suất nhà máy điện than ngừng hoạt động trên thế giới lên tới 97GW trong ba năm qua, dẫn đầu là các nước Mỹ (45GW), Trung Quốc (16GW) và Anh (8GW). Phong trào loại bỏ than đang ngày một phổ biến với cam kết của 34 quốc gia và các tổ chức. Năm 2017, chỉ có 7 quốc gia dự kiến phát triển dự án điện than mới ở nhiều hơn một địa điểm, trong đó có Việt Nam.

 “Mặc dù số lượng dự án điện than mới giảm xuống nhưng lượng khí thải trong không khí ở nhiều nơi đã vượt giới hạn các bon cho phép, chưa phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than là nguyên nhân dẫn đến hàng trăm ngàn ca tử vong sớm hàng năm trên toàn cầu”- Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm nhấn mạnh.

Việt Nam vẫn phát triển…

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, Việt Nam có 12.100 MW dự án đã được công bố, 15.040 MW chuẩn bị được cấp phép, 8.750 MW đã được ấp phép và 10.635 MW đang được xây dựng. Trong số này, điện than chiếm khoảng 45% tổng lượng MW, đi ngược với thế giới. Theo báo cáo của Bộ Công thương, cả nước có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than, riêng Đồng bằng sông Cửu Long có 14 nhà máy. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than đã và đi hoạt động.

Vì sao Việt Nam lại gia tăng phát triển điện than như vậy? PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết, nguyên nhân là do giá thành rẻ, lợi nhuận lớn. Theo đó, điện than cho giá thành điện thấp, khoảng 7 cent/KW, vốn đầu tư không cao khoảng 1.500 USD/KW, thấp hơn nhiều so với thuỷ điện, điện mặt trời, điện gió, hay điện hạt nhân. Ngoài ra, giá bán điện than ở Việt nam rẻ do hưởng thụ nhiều yếu tố bao cấp. Giá than không theo giá thị trường, là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tất nhiên, song hành với sự phát triển của điện than, là sự phát thải lớn các chất nguy hại ra môi trường, đặc biệt là các chất thảỉ rắn và khí. TS Lê Việt Phú, chuyên gia nghiên cứu độc lập cho biết, ô nhiễm không khí mang đến rủi ro về bệnh tật và tử vong cho người dân. Ước tính chỉ riêng năm 2013 Việt Nam có đến 40.000 người tử vong có nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí. Con số này đến nay còn tăng thêm đang kể. Bên cạnh đó, thiệt hại về kinh tế tương đương từ 5 - 7% GDP. 

“Ước tính tác động trong suốt vòng đời của một nhà máy điện than (50 năm) có thể thải ra môi trường đến 150 triệu tấn CO2, 470.000 tấn metan, 7.800kg chì, 54.000 tấn Nox, 64.000 tấn Sox, 12.000 tấn bụi và tiêu tốn đến 420 triệu m3 nước, hầu hết từ các nguồn nước ngọt và thải đến 206 triệu m3 nước thải vào các dòng sông.

Số liệu tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải cho thấy mỗi ngày nhà máy thải ra 4.500 – 5.000 tấn tro sỉ, 1,8 triệu tấn mỗi năm. Kết quả phân tích mẫu tro sỉ (tại các tổ hợp nhà máy Vĩnh Tân, Sông Hậu, Vũng Áng, ĐBSCL…) hàm lượng chloride trong nước ngầm vượt từ 1,2 lần đến 1,8 lần, hàm lượng tổng số muối tan trong đất vượt ngưỡng cho phép. Các chỉ số selenium, arsenic, chì, cadmium, kim loại nặng… đều vượt quá tiêu chuẩn”- TS Phú cho biết.

Ông Trần Đình Sính- Phó giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, Việt Nam đang có những bước đi trái chiều về quy hoạch điện, cụ thể là nhiệt điện than khi đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng của nhiệt điện than lên hơn 50% vào năm 2030. Các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, ước tính khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020 và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm từ 2030. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và văn hóa của hàng triệu người dân sống gần nhà máy điện than…

Theo Đại đoàn kết