Văn hóa, du lịch

Phát triển du lịch không để đe dọa sự bền vững của môi trường sinh thái

Thứ năm, 5/9/2019 | 15:04 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, cần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không để tình trạng quá tải du lịch, đe dọa sự bền vững của môi trường sinh thái, tài sản thiên nhiên, văn hóa.

Theo thông cáo báo chí Văn phòng Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, về văn hóa, thể thao du lịch, cần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không để tình trạng quá tải du lịch, đe dọa sự bền vững của môi trường sinh thái, tài sản thiên nhiên, văn hóa. Ngăn chặn không để tình trạng chặt chém, kinh doanh chộp giật. Mở rộng áp dụng thị thực điện tử; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách visa, chính sách giá dịch vụ linh hoạt để điều tiết, khuyến khích mùa thấp điểm trong thu hút khách du lịch quốc tế.

 

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 đạt hơn 1,5 triệu lượt. 8 tháng  đầu năm, Việt Nam đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn và có tốc độ tăng trưởng cao nhất vẫn là khách đến từ thị trường Châu Á. Cụ thể khách đến từ Hàn Quốc đạt 2,8 triệu lượt khách (tăng 22,5% so với năm 2018), khách đến từ Nhật Bản tăng 13,7%, Đài Loan tăng 27,1%. Thái Lan là thị trường có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất với 46,3%, cán mốc 310 nghìn lượt khách.

Đáng chú ý, khách Trung Quốc dù vẫn đứng đầu lượng khách quốc tế đến Việt Nam với hơn 3,3 triệu lượt nhưng tiếp tục đà sụt giảm từ đầu năm đến nay, giảm 0,9%.

Trong số này, khách đến bằng đường hàng không vẫn chiếm đa số với hơn 8,8 triệu lượt khách, theo sau là khách đường bộ với 2,2 triệu lượt, đường biển 171 nghìn lượt.

Về khách nội địa, 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 59,7 triệu lượt, trong đó có 30,6 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 442.200 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2018.

T. Ngân