Kinh tế xanh

Phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới

Thứ năm, 16/7/2020 | 15:07 GMT+7
Sau 2 năm thực hiện chỉ đạo về áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường, dù có nhiều cố gắng nhưng ngành mía đường vẫn còn đối diện với những thách thức. Trong tình hình đó, mới đây Chính phủ tiếp tục đưa ra chỉ thị triển khai giải pháp phát triển ngành mía đường trong tình hình mới.

Những năm gần đây, Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương và địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để ngành mía đường phát triển. Qua 25 năm xây dựng và thực hiện chương trình “Một triệu tấn đường”, ngành mía đường Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến ưu tiên nghiên cứu giống mía mới, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu mặt hàng đường.

Đối với chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm. Cùng với đó, Bộ cần đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung; nghiên cứu sản xuất, chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ cây mía và từ phế phụ phẩm trong sản xuất đường.

Ngành mía đường Việt Nam đang ngày càng được chú trọng, phát triển

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các biện pháp khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía. Trong đó cần rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung; áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế. Mặt khác, lãnh đạo các tỉnh nên căn cứ vào tình hình thực tế để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trồng mía tại những vùng trồng mía không đạt hiệu quả chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đồng thời, UBND các tỉnh cần xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía…

Mặt khác, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường nên chủ động xây dựng đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp mía đường theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và có tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ví dụ như chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc hỗ trợ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác mía phù hợp tới hộ nông dân, hợp tác xã nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành mía nguyên liệu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) chịu trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sản phẩm đường phù hợp với tình hình mới. Các Bộ chủ trì, chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt.

Ngân Hoa