Quảng Nam: Đảm bảo an toàn và môi trường hồ chứa thủy điện khi phát triển kinh tế lòng hồ

Thứ hai, 12/8/2019 | 17:00 GMT+7
UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện và ổn định đời sống sản xuất cho người dân tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh này.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều dự án thủy điện. Làm thế nào để vừa khai thác đa dạng, tối ưu hóa lòng hồ thủy điện vừa đảm bảo an toàn cho vận hành thủy điện; giải quyết vấn đề tái định cư của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện... là những vấn đề luôn được UBND tỉnh quan tâm. Theo ông Thanh, việc khai thác hài hòa, hiệu quả lòng hồ thủy điện sẽ góp phần mở ra không gian sinh kế bền vững, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc khai thác lòng hồ cần phải đảm bảo an toàn hồ đập và có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai các dự án về nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch.

Hiện nay, Quảng Nam đã triển khai 25/46 dự án thủy điện theo quy hoạch; bao gồm 10 dự án thủy điện bậc thang với tổng công suất 1.156MW, sản lượng điện bình quân 4.347,85 triệu kWh/năm và 36 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 584,86MW, sản lượng điện bình quân 2.157,94 triệu kWh/năm.

Thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, tỉnh có 6 hồ thủy điện với tổng diện tích mặt nước trên 6.000 ha được phép khai thác, nuôi thủy sản lồng bè trong lòng hồ gồm: A Vương, Sông Côn 2 (huyện Đông Giang), Sông Bung 4 (huyện Nam Giang), Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn), Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) và Khe Diên (huyện Nông Sơn).

Theo quy hoạch đến năm 2030 của tỉnh Quảng Nam, số lượng lồng cá nuôi trong lòng hồ thủy điện đạt 2.800 lồng với sản lượng 3.600 tấn thủy sản. Tuy nhiên, hiện mới có 23 hộ dân đang thả nuôi cá lồng bè thương phẩm ở lòng hồ thủy điện với tổng số 240 lồng nuôi, chủ yếu tập trung ở hồ thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My.

Ngoài ra, tiềm năng về phát triển du lịch ở vùng lòng hồ thủy điện cũng chưa được đầu tư khai thác. Huyện Đông Giang hiện có 7 hồ thủy điện, trong đó 4 lòng hồ có diện tích mặt nước lớn, nhiều đảo nhỏ đẹp có điều kiện để phát triển du lịch.

Tại hội nghị, đa số các ý kiến cho rằng, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, qua đó hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã tạo ra những vùng nuôi quy mô lớn. Bên cạnh đó, xây dựng quy chế phối hợp quản lý giữa chính quyền địa phương, các tổ chức nuôi trồng thủy sản, khai thác du lịch với chủ đầu tư nhà máy thủy điện trong việc khai thác lòng hồ.

Đình Tú