Sẽ ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ

Thứ tư, 21/10/2020 | 17:16 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Ngân hàng Thế giới (WB) - cơ quan nhận ủy thác của Quỹ đối tác carbon trong ngành lâm nghiệp sẽ ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam (Thỏa thuận ERPA).

Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Quỹ đối tác carbon trong ngành lâm nghiệp (FCPF) 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 - 2024. Đồng thời, FCPF sẽ thanh toán 51,5 triệu USD (dự kiến năm 2021 là 15 triệu USD; năm 2023 là 20 triệu USD; năm 2025 là 16,5 triệu USD) cho vụ chuyển nhượng này.

Nếu Việt Nam thực hiện được đầy đủ cam kết này thì từ nay đến năm 2025, 6 tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ sẽ cam kết giảm được 10,3 triệu tấn phát thải khí CO2 và FCPF sẽ chi trả cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ khoảng 51,5 triệu USD. Đây là nguồn lực rất có ý nghĩa cho các tỉnh miền Trung để góp phần cùng với các cơ chế của Liên Hợp Quốc thí điểm để thực thi cơ chế giảm phát thải khí nhà kính, thực thi thị trường tín chỉ carbon trên toàn cầu.

Nguồn thu từ chứng chỉ carbon phải đảm bảo tính minh bạch trong chi trả cho những thành phần làm nghề liên quan đến rừng trong khu vực

Trước đó, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với FCPF cũng như với nhiều tổ chức, quốc gia, nhất là với Na Uy và đã có tới 10 năm chuẩn bị, sẵn sàng để thực hiện cơ chế tín chỉ carbon.

Năm 2018, Bộ NN-PTNT cùng với FCPF ký nghị định thư về việc Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên chuyển sang giai đoạn mới là triển khai chi trả quỹ giảm phát carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp dựa trên kết quả đạt được.

Thỏa thuận ERPA sẽ bổ sung nguồn lực kịp thời cho công tác bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng cũng như thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân Việt Nam trong triển khai cơ chế nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Với thỏa thuận ERPA, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 5 trên thế giới ký kết được thỏa thuận với FCPF và là quốc gia đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương ký kết thỏa thuận này. Điều này tạo cho Việt Nam uy tín quốc tế, đồng thời sẽ có tác động tích cực để nước ta sớm triển khai việc chi trả dịch vụ carbon như là một dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật.

Khả Di