Đời sống, xã hội

Siêu thị Big C bán hàng giá rẻ khi sản phẩm đã hết hạn sử dụng?

Thứ sáu, 7/2/2020 | 12:53 GMT+7
Mới đây, chuỗi đại siêu thị Big C (Big Central) bị khách hàng “tố” bán sản phẩm hết hạn sử dụng.

Theo thông tin bạn đọc, chiều ngày 2/2, anh K. đã mua 4 mặt hàng với tổng giá trị hóa đơn là 124.900 đồng trong đó có mặt hàng bánh tránh trộn có giá 22.900 đồng tại siêu thị Big C Hà Đông (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội).

Do tin tưởng Big C là một siêu thị lớn, hệ thống kiểm soát hàng hóa nghiêm ngặt trước khi xuất bán nên anh K. không kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi mua. Tuy nhiên, khi về tới nhà, anh phát hiện hộp bánh tráng trộn đã hết hạn sử dụng từ nhiều ngày trước đó.

Cụ thể, theo nhãn mác in trên bao bì, sản phẩm trên được sản xuất ngày 28/12/2019, hạn sử dụng 30 ngày kể từ ngày sản xuất (tức ngày 26/1/2020). Tuy nhiên, sản phẩm trên vẫn được bày bán tại siêu thị Big C Hà Đông vào ngày 2/2/2020 khiến anh K. mua phải.

Sản phẩm hết hạn mà Big C Hà Đông bán cho khách hàng

Sau khi phát hiện sự việc, anh K. đã liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng của Big C để thông báo. Phía nhân viên tổng đài phản hồi rằng Big C đã ký cam kết với Bộ Công Thương về việc không bán hàng quá hạn sử dụng, nhưng khi anh đề nghị chứng minh bằng văn bản thì phía Big C không đưa ra được. Sau đó, phía Big C đưa ra 2 phương án: hoàn tiền và tặng 1 sản phẩm còn lại hoặc đổi và tặng 1 sản phẩm cùng loại.

Không đồng ý với cách xử lý trên, anh K. cho rằng Big C phải có trách nhiệm và phải đưa thông tin đúng. Nếu Big C đã cam kết với Bộ Công Thương về việc không bán hàng hết hạn sử dụng và chứng minh được việc này thì anh K. sẽ chọn 1 trong 2 phương án mà Big C đưa ra. Mặt khác, anh lo ngại rằng có thể vẫn còn những sản phẩm hết hạn khác tiếp tục được bày bán sau tết với mục đích xả hàng.

Liệu siêu thị Big C bán hàng giá rẻ khi sản phẩm đã hết hạn sử dụng hay trách nhiệm thuộc về khâu quản lý nhập xuất yếu kém, bất chấp rủi ro vì lợi nhuận?

Việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa hết hạn sử dụng sẽ gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, hành vi kinh doanh, buôn bán hàng hết hạn sẽ bị xử phạt theo Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP). Tùy tính chất, mức độ nguy hiểm mà người vi phạm nhẹ thì bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng, nặng nhất sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; tịch thu phương tiện vi phạm là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu hủy tang vật vi phạm; buộc thu hồi tiêu hủy tang vật vi phạm đang lưu thông trên thị trường; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

PV