Bất động sản

Sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản năm 2019

Thứ hai, 30/12/2019 | 17:20 GMT+7
Hà Nội thu hồi hàng trăm sổ hồng cấp sai phép, Công ty Alibaba vẽ “dự án ma” lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng… là những tin tức bất động sản nổi bật trong năm 2019

Hà Nội loay hoay thu hồi 400 sổ hồng cấp sai phép tại chung cư Mường Thanh

Sau khi Công an Hà Nội khởi tố ông Lê Thanh Thản vì hành vi lừa dối khách hàng”, vào khoảng giữa tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành thu sổ hồng của khoảng 400 căn hộ trong một số dự án phát triển nhà ở các chung cư do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng tại TP Hà Nội.

Hàng trăm sổ hồng cấp sai phép tại chung cư Mường Thanh

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã cấp sai tổng cộng 604 sổ hồng tại 3 dự án CT5 Tân Triều, CT6 Kiến Hưng và các tòa CT1, CT2, CT3, CT4, CT6 Xa La. Sở này cho biết, quá trình thẩm định hồ sơ để cấp sổ hồng cho người dân ở chung cư do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng là có sai sót. Khi phát hiện những sai sót trong quá trình thẩm định đã tiến hành thu hồi sổ đã cấp.

Tuy nhiên, việc thu hồi đã không làm đúng quy trình. Cụ thể, cơ quan chức năng chưa gửi quyết định thu hồi sổ đến tận tay người dân là đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng. Sự việc khiến nhiều người mua nhà trong các khu vực này hoang mang, lo lắng.

Ngay lập tức, ngày 19/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu TP Hà Nội dừng thu hồi sổ hồng của cư dân tại các chung cư Mường Thanh, khôi phục giá trị pháp lý các sổ đã cấp, đồng thời đề nghị thanh tra, xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý có liên quan đã để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng.

Siết rửa tiền qua giao dịch bất động sản

Hồi đầu tháng 7/2019, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo các giao dịch đáng ngờ, các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Theo đó, Sở Xây dựng TPHCM là một trong những địa phương mới nhất có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP, yêu cầu nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.

Đầu tháng 9/2019, Sở Xây dựng TPHCM yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, cập nhật quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nếu đã ban hành hoặc gửi quy định ban hành mới hoặc bản cập nhật về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) trước ngày 15/9/2019 để thống kê, theo dõi, phục vụ công tác thanh tra, giám sát.

Các doanh nghiệp cần lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản và Cục Phòng chống rửa tiền theo đúng quy định của pháp luật phòng chống rửa tiền.

Điều chỉnh quy hoạch tràn lan, Bộ Xây dựng yêu cầu công khai thông tin

Nhiều dự án tại Hà Nội từng được quảng cáo là kiểu mẫu như Linh Đàm, Trung Hòa Nhân Chính, Ngoại giao đoàn, Nam Thăng Long (Ciputra)... bị chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh tăng tầng, mật độ cư dân, song không xin đầy đủ ý kiến của cộng đồng cư dân, không công khai. Thậm chí, nhiều dự án thay đổi tới 6 lần quy hoạch. Đặc biệt, sau khi thay đổi quy hoạch, nhiều cư dân dự án không hề hay biết, cho đến khi một vài công trình được xây dựng hoặc hoàn tất, đưa vào vận hành. Các thông tin về quy hoạch này họ cũng không được tiếp cận.

Công khai thông tin điều chỉnh quy hoạch trên cổng thông tin điện tử

Giữa tháng 8/2019, Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đăng tải thông tin hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin điện tử.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc, cơ quan chuyên môn đăng tải các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt cấp tỉnh, huyện quy định tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin điện tử: quyhoach.xaydung.gov.vn.

Nội dung thông tin đăng tải trong các đồ án quy hoạch xây dựng và đô thị bao gồm: quyết định phê duyệt, bản đồ hiện trạng, sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ giao thông, thuyết minh tóm tắt...

Hiện Cổng thông tin Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch đô thị Việt Nam đã được cơ quan quản lý cập nhật một số dữ liệu gồm quyết định, hình ảnh quy hoạch của các tỉnh.

Công văn được ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Công ty Alibaba vẽ “dự án ma” lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng

Chiều ngày 18/9, hàng trăm người thuộc cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An và Công an TPHCM đã tiến hành khám xét trụ sở giao dịch của Công ty CP địa ốc Alibaba ở đường Phạm Văn Đồng, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Tiếp đó, hàng loạt chi nhánh của công ty này tại TPHCM, Đồng Nai cũng bị cơ quan chức năng tiến hành khám xét. Ngay trong ngày, ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công ty Alibaba lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng

Ngày 24/9, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với Nguyễn Thái Luyện về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Thái Lực, em trai của Luyện cũng bị khởi tố, bắt giam về tội danh trên.

Cụ thể, Luyện đã chỉ đạo và cùng Nguyễn Thái Lĩnh thành lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên) thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha rồi giao cho các cá nhân (Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và người thân) đứng tên.

Sau đó, các đối tượng tự vẽ ra 40 dự án không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận (chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án…) rồi tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để bán cho khách hàng.

Trước đó, Công an TPHCM đã tiếp nhận đơn của hơn 900 cá nhân tố giác Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỷ đồng.

Ngày 30/9, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã bổ sung danh sách 16 người có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba. Trong số hàng chục cá nhân liên quan, Công an xác định có cả cha mẹ ruột của Nguyễn Thái Luyện và một số tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh của công ty này. Ngoài việc phong tỏa tài sản, cơ quan điều tra đang khẩn trương truy nguồn gốc nhà cửa, đất đai, xe cộ… của những người liên quan trong vụ án trên.

Cocobay Đà Nẵng tuyên bố “vỡ trận" cam kết lợi nhuận khủng

Cuối tháng 11/2019, Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire), chủ đầu tư tổ hợp Cocobay Đà Nẵng thông báo đến khách hàng: từ đầu năm 2020 sẽ chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết 12%/năm trong 8 năm do gặp khó khăn về tài chính.

Bên cạnh đó, Empire Group cũng đề xuất các giải pháp như tiếp tục hợp tác, thanh lý hợp đồng tự kinh doanh, thanh lý hợp đồng hoàn lại tiền hoặc tự đề xuất giải pháp khác. Chủ đầu tư sẽ chốt danh sách đăng ký chuyển 50% condotel thành chung cư trước ngày 20/12.

Nhiều khách hàng yêu cầu Cocobay Đà Nẵng thực hiện đúng theo cam kết trong hợp đồng

Sự việc trên khiến thị trường bất động sản dậy sóng, khách hàng đầu tư vào loại hình Condotel tại tổ hợp Cocobay Đà Nẵng đã tập trung tại trụ sở của Thành Đô căng băng rôn đề nghị chủ đầu tư tiếp tục thực hiện cam kết.

Trên thị trường, nhiều chuyên gia nhận định danh sách các dự án condotel không thực hiện được cam kết lợi nhuận có thể dài thêm. Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan cần phải tính toán những giải pháp cần thiết để lường đoán và ứng phó với các tình huống không mong đợi có thể xảy ra.

Công trình số 8B Lê Trực: 4 năm chưa được xử lý dứt điểm

Trong vòng 4 năm kể từ tháng 11/2015, Thủ tướng 6 lần yêu cầu UBND TPHà Nội “tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm” tại dự án số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội (các Công văn: số 2174/VPCP-KTN ngày 31/3/2016; số 5278/VPCP-KTN ngày 28/6/2016; số 5805/VPCP-KTN ngày 13/7/2016, số 1404/TTg-CN ngày 15/10/2018...). Thế nhưng, những sai phạm của công trình này vẫn tồn tại, thách thức hiệu lực quản lý nhà nước ở ngay trung tâm của Thủ đô.

Ngày 6/12/2019, Văn phòng Chính phủ có thông báo, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này, bảo đảm kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, xử lý dứt điểm sai phạm tại công trình 8B Lê Trực.

Trước đó, ngày 21/11/2019, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu UBND quận Ba Đình, căn cứ ý kiến của Bộ Xây dựng, khẩn trương làm thủ tục tháo dỡ giai đoạn 2 theo thẩm quyền, quy định và chỉ đạo của TP, hoàn thành trước ngày 15/12/2019.

UBND TP cũng yêu cầu UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, xử lý dứt điểm, bảo đảm an toàn công trình, quyền lợi hợp pháp của bên liên quan và yêu cầu của UBND TP, khẩn trương xử lý công trình, bộ phận công trình vi phạm bảo đảm đúng hạn.

Sở Xây dựng Hà Nội có nhiệm vụ đôn đốc thực hiện. Công ty cổ phần May Lê Trực nghiêm túc phối hợp với UBND quận Ba Đình, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Thổi giá đất tại các địa phương chuẩn bị lên quận

Sự chuyển hướng sang các khu vực vùng ven đô thị lớn đã bắt đầu từ năm 2017 và nở rộ từ năm 2018 đến nay. Nhiều nhà đầu tư đã và đang có hướng đầu tư mạnh theo xu hướng này. Chính vì vậy, khi thông tin 4 huyện: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) được đề xuất lên quận vào năm 2020, giá đất tại các khu vực này nhanh chóng tăng vọt. Chưa kể phần lớn trong số đó là bị "cò" thổi lên cao hơn so với giá trị thực tế. Có những khu vực, giá đất bị "hét" cao gấp 1,5 - 2 lần, nhưng giá giao dịch hầu như không tăng hoặc tăng không đáng kể (khoảng 5%). Việc "sốt ảo" này tại các huyện ở Hà Nội được đánh giá khá giống tại Củ Chi, Hóc Môn (TPHCM). Việc giá bán tăng chủ yếu do “cò” hoặc nhà đầu tư đã có các dự án hoặc nguồn hàng hiện hữu ở đây. Từ các thông tin chính thống, giới cò đất tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, đẩy giá, tạo sóng lướt sóng... Cò đất đã trục lợi tối đa để đẩy hàng thị trường đất nền ở các quận ven và các huyện ngoại thành.

Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng, không nên chạy theo tin đồn, những giá trị ảo mà cần nhìn vào tiềm năng phát triển thực tế để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý trước khi xuống tiền đầu tư, để tránh những bài học đáng tiếc như trong quá khứ.

Lê Nhung