Năng lượng tái tạo

TPHCM khởi công 3 nhà máy điện rác từ nay đến cuối năm

Thứ ba, 27/8/2019 | 09:04 GMT+7
TPHCM sẽ khởi công 3 nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2019 để bảo đảm lượng rác chôn lấp của TP chỉ còn 50% vào cuối năm 2020.

Thông tin được đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM chia sẻ tại cuộc họp báo xung quanh nội dung “Định hướng của TPHCM về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện” vừa diễn ra tại TPHCM.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cho biết: “Hiện nay xử lý chất thải của TP chủ yếu là chôn lấp. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt xử lý dưới dạng chôn lấp hơn 2,2 triệu tấn, chiếm 72,52%. Một phần chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp đốt nhưng chưa thu hồi được năng lượng; một phần chất thải được phân loại để sản xuất phân bón và tái chế nhưng tỷ lệ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của TP. Vì vậy, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, hướng đến quản lý môi trường xanh, TP sẽ ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải”.

Một loạt nhà máy điện rác sắp được khởi công tại TPHCM. (Ảnh minh họa)

Cũng theo ông Thắng, mô hình công nghệ đốt phát điện đã được TP chấp thuận chủ trương. Hiện TP đang hỗ trợ thủ tục cho một số công ty thu gom, xử lý rác nâng cấp cải tạo, chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt rác phát điện. 3 dự án xử lý rác phát điện do Công ty cổ phần VietStar, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Tasco (Nhà máy xử lý tái chế chất thải rắn Củ Chi) sẽ lần lượt được khởi công từ nay đến cuối năm. Dự kiến sau khi hoàn thành, mỗi ngày, 3 nhà máy này sẽ xử lý khoảng 8.000 tấn rác đốt phát điện tại TPHCM.

Theo ông Ngô Như Hùng Việt, Giám đốc Công ty cổ phần VietStar, dự án có tổng mức đầu tư gần 400 triệu USD. Hiện nhà máy đặt ở Củ Chi có diện tích 30ha đang tái chế rác làm phân hữu cơ, nhựa. Công ty không cần thêm đất và công nghệ đã được Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM phê duyệt. Nhà máy dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào vận hành hành trong năm 2020 với công suất 2.000 tấn/ngày đêm; đến giai đoạn 2021 sẽ nâng công suất lên 4.000 tấn/ngày đêm. Toàn bộ quy trình xử lý khép kín, tự động hóa khâu phân loại rác. Trong quá trình đốt rác, các tiêu chí về khí thải, nước thải, chất thải phải bảo đảm tiêu chuẩn, không gây hại sức khỏe con người.

Nhã Quyên