Sắc màu cuộc sống

TỰ CỨU LẤY MÌNH TRƯỚC KHI "TẬN THẾ"

Thứ năm, 12/11/2015 | 17:59 GMT+7
Nghe có vẻ hoành tráng, nhưng thật ra nếu nhìn nhận việc Sống xanh một cách thấu đáo, bạn sẽ thấy vấn đề tôi đặt ra hoàn toàn đúng.

Cố nhớ xem, hàng ngày chúng đã phải ăn những gì? Thực phẩm đó có được chắc chắn về nguồn gốc không? Rồi làm một phép thử vô cùng đơn giản với câu hỏi, tại sao ngày nay các bệnh “lạ” xuất hiện ngày càng nhiều và “ung thư” trở thành căn bệnh nhan nhản như cảm cúm thời ông bà chúng ta. Xã hội phát triển, con người dường như không còn chú trọng vào nông nghiệp, họ chỉ tập trung vào công nghiệp và dịch vụ.

Vậy xin hỏi, còn đất đâu để canh tác thực phẩm sạch? Để tìm mua những bó rau mới cắt từ vườn, những quả chín mọng tự nhiên thật là không dễ. Thay vào đó là thực phẩm không rõ nguồn gốc. Hậu quả như thế nào thì ai cũng biết rồi. Trong điều kiện đất chật người đông như TPHCM, vẫn có những “kỹ sư thời hiện đại bất đắc dĩ”. Họ dùng những diện tích nhỏ nhất, như sân thượng ban công để biến những cái không thể thành có thể.

Tôi có quen một anh, mọi người trên diễn đàn rau sạch thường gọi anh là Hiệp sĩ, người ứng dụng mô hình Garden Tower Project của nước ngoài vào Việt Nam rất thành công với tên gọi “Tháp rác trồng rau”. Mô hình này được thiết kế tương quan với phiên bản gốc, một số chi tiết được cải biên lại phù hợp với các vật liệu có sẵn tại Việt Nam.

Những chiếc thùng đựng hóa chất, thay vì bỏ đi, anh tái tạo thành một vật dụng trồng rau cực kỳ hiệu quả. Hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường. Chất dẻo được làm từ dầu mỏ, điều đó đồng nghĩa việc sử dụng túi nhựa, thùng nhựa là một trong những nguyên nhân chúng ta làm suy giảm nguồn cung cấp dầu. Có 8-10% nguồn cung cấp dầu hiện nay dùng để làm nhựa.

Trong khi đó, dầu thô là nguồn nguyên liệu không tái tạo được, chúng ta có quyền lo ngại về khả năng tái tạo dầu trong tương lai không xa. Vì vậy, sử dụng lại thùng nhựa thay vì dùng tiền đi mua những chiếc chậu nhựa, tiếp tay cho việc phá hủy tài nguyên môi trường. Mặc khác, với cơ chế phân hủy rác hữu cơ (vỏ củ quả, rau hư…) trong sinh hoạt hằng ngày của các ấu trùng, đem lại nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây đồng thời tận dụng được lượng rác đáng kể.

Với mô hình này, mỗi gia đình đều tự cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho mình, góp phần bảo vệ môi trường.

PV/Nguyễn Thảo