Điện mặt trời mái nhà

Tận dụng tiềm năng và lợi thế để phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN)

Thứ hai, 1/6/2020 | 22:40 GMT+7
Ngày nay, cùng với việc đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ khí hậu và sức khỏe cộng đồng, thì sử dụng năng lượng điện mặt trời mái nhà vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả, lại giảm chi phí điện cho người dân và doanh nghiệp.

Nhu cầu sử dụng lắp đặt điện mặt trời mái nhà ngày càng tăng không những giúp nhà đầu tư tiết kiệm một phần chi phí tiền điện mà còn có thể thêm nguồn thu nhờ bán lại phần điện dư cho ngành điện. Không những thế, lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà còn giúp hấp thụ bức xạ nhiệt của mái nhà, làm giảm sức nóng của toàn bộ ngôi nhà. Đối với các doanh nghiệp (DN), việc sử dụng điện mặt trời còn góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu và năng lực cạnh tranh của DN. Đây chính là lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm và là xu hướng phát triển của toàn xã hội.

Nhiều chính sách ưu đãi của chính phủ để phát triển ĐMTMN

Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển ĐMTMN như: cơ chế được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc tổ chức, các nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam tương đương 8,38 UScent/kWh, áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện. Trường hợp bên mua điện không phải là EVN hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền, giá mua điện và hợp đồng mua điện do các bên thỏa thuận phù hợp quy định của pháp luật hiện hành. Quy định này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trong thời gian tới góp phần tăng nguồn cung cấp điện tại chỗ, giảm tổn thất hệ thống truyền tải và phân phối.

Đối với Quy định về hiệu suất tế bào quang điện và tấm quang điện (tối thiểu là 16% và 15%) vẫn được tiếp tục áp dụng. Trên thực tế, các dự án điện mặt trời quy mô lớn ngày càng có hiệu suất cao dần lên so với quy định hiệu suất tối thiểu, hiệu suất cao hơn mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho chủ đầu tư.

Sau năm 2020, các dự án điện mặt trời nối lưới sẽ áp dụng cơ chế lựa chọn cạnh tranh nhằm phát triển điện mặt trời với chi phí cạnh tranh, bám sát xu hướng phát triển của thị trường công nghệ và giá thiết bị trên thế giới.

Như vậy, với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt sẽ mang lại cho chính chủ đầu tư cũng như cộng đồng người dân và doanh nghiệp ưu tiên lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) hơn trong thời gian tới. Do thực tế cho thấy ĐMTMN đã phát huy hiệu quả từ nguồn năng lượng sạch này. 

Điện năng lượng mặt trời hòa lưới là giải pháp năng lượng cho gia đình và doanh nghiệp

Các tỉnh miền Nam và miền Trung có tiềm năng lớn phát triển ĐMTMN

Hiện trên cả nước có 27.631 công trình điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt với tổng công suất 562,79MWp. Trong đó, riêng 4 tháng đầu năm 2020, có 5.254 công trình lắp đặt với tổng công suất hơn 178,6MWp.

Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 5.254 dự án điện mặt trời mái nhà bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam với tổng công suất lắp đặt là 178,66 MWp, sản lượng điện phát lên lưới là 137,1 triệu kWh.

Trong khi đó, nhiều địa phương trong cả nước đang phát triển mạnh năng lượng ĐMTMN, riêng thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có hơn 6.407 công trình ĐMTMN với công suất là 81,97 MWp. Trong 4 tháng đầu năm 2020, đã có 856 công trình với công suất là 16,24 MWp. Ngành điện TP.HCM (EVNHCMC) còn cam kết hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời của nhà đầu tư. Đồng thời sẽ tiếp tục liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp, nhà đầu tư điện mặt trời, các ngân hàng để phối hợp, đề xuất cơ chế, chương trình để khuyến khích khách hàng tham gia, bởi tiềm năng và lợi ích khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN.

Lắp điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM

Tại tỉnh Trà Vinh, với lượng bức xạ ngày trung bình hơn 4.9 kWh/m2, do đó có điều kiện thuận lợi lớn cho phát triển các dự án năng lượng mặt trời. Trà Vinh hiện có 281 nhà đầu tư sử dụng ĐMTMN, đã lắp đặt công tơ điện tử đo đếm 2 chiều với tổng công suất 3.732,77kWp. Trong 4 tháng đầu năm 2020, Trà Vinh đã phát triển 53 khách hàng với tổng công suất 1.486,84 kWp. Trà Vinh xác định rõ việc hỗ trợ phát triển ĐMTMN là một trong những ưu tiên quan trọng của tỉnh.

Điện lực Duyên Hải tổ chức Hội nghị kết hợp tư vấn, giới thiệu đến khách hàng về điện năng lượng mặt trời mái nhà

Còn đối với  khu vực Miền Trung có nhiều tiềm năng lớn với bốn mùa có nắng, rất thích hợp để phát triển nguồn năng lượng mặt trời. Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Bình đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 179 công trình ĐMTMN với tổng công suất 1.400 kWp, sản lượng điện mặt trời phát lên lưới là 281.987 kWh. Hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã chú trọng hơn đến đầu tư ĐMTMN và coi đó là giải pháp hiệu quả trong tiết kiệm chi phí, giảm tải cho nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị, hộ dân trên địa bàn tỉnh sau khi sử dụng không hết đã bán điện ngược trở lại cho ngành điện.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà  tại TP. Đồng Hới, nhìn từ trên cao

Với tiềm năng phát triển nguồn năng lượng mặt trời, việc hỗ trợ phát triển điện mặt trời trên mái nhà là một trong những chủ trương quan trọng của Nhà nước bởi đây là nguồn cung cấp điện hiệu quả, giải pháp thiết thực cho việc đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao tại Việt Nam.

 

 

PV