Tháng 1/2020: PVN nộp ngân sách Nhà nước vượt hơn 17% kế hoạch

Thứ năm, 6/2/2020 | 08:53 GMT+7
Tháng 1/2020, nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, vượt 17,1% kế hoạch tháng.

Tháng 1/2020, với sự nỗ lực và tập trung cao độ, PVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra các chỉ tiêu sản xuất và tài chính.

Cụ thể, công tác khai thác dầu khí tháng 1 thực hiện theo đúng kế hoạch, vượt 8,5% kế hoạch tháng. Sản xuất đạm toàn Tập đoàn tháng 1 đạt 147,3 nghìn tấn, vượt 2,5% kế hoạch tháng. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn tháng 1 đạt 1,201 triệu tấn, vượt 5,3% kế hoạch tháng.

Về các chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 1 ước đạt 66,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,2% kế hoạch tháng; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn tháng 1 đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, vượt 17,1% kế hoạch tháng

Trước, trong và sau tết Nguyên đán, công tác an ninh, an toàn trên các công trình dầu khí được đảm bảo.

Trong tháng đầu năm 2020, PVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra các chỉ tiêu sản xuất và tài chính

Trong thời gian tới, PVN dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn bởi những rủi ro bất định từ thị trường, dịch bệnh, thiên tai… cùng với giá dầu thế giới biến động khó lường, ảnh hưởng không thuận lợi tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nói riêng cũng như kinh tế trong nước và thế giới nói chung. Trước tình hình đó, Tổng giám đốc Tập đoàn đã chỉ thị yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác dự báo, chủ động ứng phó với các diễn biến của thị trường trước tác động tiêu cực của dịch bệnh do nCoV gây ra, giảm thiểu tối đa thiệt hại cũng như tận dụng cơ hội để có kế hoạch sản xuất và tiếp cận thị trường một cách kịp thời, hợp lý.

Đồng thời, thực hiện tiết giảm chi phí để tối đa hóa lợi nhuận, cụ thể là: chi phí quản lý, chi phí sản xuất, chi phí bán hàng… Rà soát danh mục vật tư dự phòng chiến lược, có giải pháp chia sẻ vật tư dự phòng giữa các nhà máy có chung công nghệ và nhà sản xuất để giảm tối đa lượng vật tư tồn kho, tăng hiệu quả sử dụng vốn. Cập nhật tối ưu các định mức kỹ thuật vận hành sản xuất, xem xét nâng công suất, sản lượng trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, ổn định và hiệu quả bền vững.

Đồng thời, các đơn vị cần phối hợp đầu mối, đối tác kinh doanh, kiểm soát rủi ro thị trường, tối ưu hóa công tác tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt cần chủ động tiếp cận thị trường mà trước đây chưa thâm nhập được nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh mang tính thời điểm. Bên cạnh đó, chủ động chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác giữa các đơn vị trong Tập đoàn, trong ngành, trong nước.

Tiến Đạt