Thanh tra dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Thứ tư, 8/4/2020 | 15:22 GMT+7
Tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và khu “đất vàng” tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào việc chỉ định thầu; việc bổ sung dự án này vào danh mục các nguồn điện cấp bách theo quyết định của Thủ tướng tại thời điểm 2013; việc quyết định chủ trương và phê duyệt đầu tư; việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC. 

Đối với khu đất tại số 69 Nguyễn Du, đoàn thanh tra sẽ tập trung vào việc chấp hành pháp luật khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 gồm hai tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW, thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-Ttg ngày 11-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Nhà máy được lắp đặt bằng các thiết bị chất lượng cao nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản,… sử dụng công nghệ lò hơi than phun trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên, sử dụng than cám 5, lượng than tiêu thụ hàng năm khoảng 3 - 3,5 triệu tấn. Khi vận hành, Nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể của Nhà máy đạt 84,2%, trong đó: Thiết kế đạt 99,6%; Ký các Hợp đồng mua sắm đạt 99,71%; Gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,89%; Thi công đạt 82,2%, chạy thử đạt 3,6%.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ bị thanh tra trong thời gian tới

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án Nhiệt điện Thái Bình đã gặp phải khó khăn trên nhiều phương diện, trong đó đặc biệt là các vấn đề như: dòng tiền chậm, khó khăn trong công tác thu xếp vốn, nguồn nhân sự thiếu hụt - đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao. Ngoài ra, các kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Chính phủ để tháo gỡ cơ chế tài chính cho dự án mặc dù đã được các Bộ, ngành cơ bản đồng thuận nhưng đến nay các cấp có thẩm quyền vẫn chưa có quyết sách cuối cùng để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án, đặc biệt là kiến nghị về việc sử dụng vốn chủ sở hữu vượt tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn của dự án. Đây đang là vấn đề sống còn để đưa Dự án đi vào vận hành vào năm 2020, đảm bảo hiệu quả của dự án đối với nguồn điện quốc gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Đặc biệt, dự án này đã 2 lần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đến nay lên tới 42.000 tỉ đồng. Trong quá trình làm, tổng thầu Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã có nhiều sai phạm hình sự khiến cả dàn lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam, đáng chú ý có cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng từng giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2007 - 2013...

Khu đất tại số 69 Nguyễn Du, có diện tích gần 570m2, từng là biệt thự cũ, năm 2008 Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội bán chỉ định để xây dựng trụ sở làm việc. Sau đó, UBND TP Hà Nội đã thu hồi và giao cho PVC cải tạo làm trụ sở trong thời hạn 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được TP. Hà Nội cho phép.

Tuy nhiên, PVC đã lập dự án với tên gọi “Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du”, có diện tích đất 596,7 m2, diện tích xây dựng công trình 406,2 m2, quy mô 8 tầng. Dự án có tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là 4.361,5 m2 để làm trụ sở PVC và cho thuê văn phòng. Tổng vốn đầu tư của dự án là 130 tỷ đồng, trong đó 45% vốn tự có, còn lại vay tín dụng thương mại. Về hiệu quả đầu tư, PVC cho biết dự án sẽ mang lại lợi nhuận bình quân 10,9 tỷ đồng/năm. Thời gian hoàn vốn là 9 năm. Thời gian thi công xây lắp toàn bộ công trình từ 15 - 18 tháng, dự kiến khởi công đầu năm 2009. 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ vào thời điểm đó khẳng định, ngày 31/12/2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành với giá 95,9 tỷ đồng.

Nam Thanh