Sức khỏe

Thay thế thịt động vật bằng thịt nhân tạo để bảo vệ cuộc sống

Thứ hai, 10/2/2020 | 12:34 GMT+7
Thịt nhân tạo chứa đầy đủ dưỡng chất như thịt tự nhiên đang ngày càng được phát triển nhằm hạn chế việc giết mổ động vật, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại Israel, tế bào gốc thịt bò, thịt gà nuôi trong dung dịch dưỡng chất sẽ trở thành miếng thịt chỉ sau từ 3 - 4 tuần. Tuy nhiên dạng thịt nhân tạo này sẽ xuất hiện trên thị trường dưới dạng thịt xay chứ không phải dưới dạng miếng. Nhưng trong tương lai công nghệ này có thể chế tạo được da bò hay sữa bò, điều này hạn chế tối đa việc giết mổ động vật.

Trong môi trường dinh dưỡng tại phòng thí nghiệm ở Hà Lan, được kết hợp với collagen đàn hồi, các tế bào gốc sinh sôi nảy nở gấp 30 lần. Các tế bào tự sắp xếp thành những khối bắp thịt. Các khối thịt này sẽ được kích điện để lớn lên. Từ đó, khoảng 20.000 sợi thịt bò nhỏ được tạo ra, với cấu trúc giống như thịt lấy từ động vật giết mổ.

Với thịt nhân tạo của Nga, chúng được lấy từ phần mô cơ bắp nhỏ của giống bê Aberdeen Angus 2-3 ngày tuổi. Các tế bào được đặt trong môi trường tăng trưởng để hỗ trợ phát triển và phân chia. Môi trường nuôi cấy là loại gel đặc biệt bao gồm các axit amin, vitamin, muối, glucose, các yếu tố gắn kết và tăng trưởng.

Có thể thấy, thịt nhân tạo đang ngày càng được phát triển với mục đích thay thế thịt tự nhiên, hạn chế việc giết mổ động vật.

Nhiều người hiện vẫn lên án giết mổ động vật, do đó thịt nhân tạo sẽ là thực phẩm phù hợp

Nếu như cách đây 7 năm nhiều người rùng mình ghê sợ khi ông Mark Post cắn miếng thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, thì giờ đây theo tờ Le Soir, ở Bỉ có tới 57% số người được hỏi trả lời rằng nếu như có thịt nhân tạo không ai ngại gì không ăn bởi lý do động vật sẽ bị đối xử tàn nhẫn chỉ để con người có miếng thịt ăn. 52% người được khảo sát cho rằng thịt nhân tạo tốt cho môi trường và 46% cho rằng đây là giải pháp nuôi sống nhân loại trong tương lai. 

Các chuyên gia thực phẩm nhận định, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm được tạo ra từ tế bào của các loài động vật, do đó quá trình giết mổ được loại bỏ hoàn toàn. Hiện rào cản lớn nhất trong việc đưa thịt nhân tạo vào thương mại là chi phí sản xuất cao và mùi vị của sản phẩm. Mặc dù vậy, sử dụng thịt nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường gây ra bởi chăn nuôi gia súc trong tương lai.

Thịt được tạo ra trong phòng thí nghiệm cũng đảm bảo loại bỏ các nguy cơ bị nhiễm bệnh, như dịch tả lợn châu Phi 2 năm trở lại đây khiến nhiều nước trên thế giới lao đao, nhưng nó sẽ không thể trở thành mối đe dọa với thịt nhân tạo.

Thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm cũng đảm bảo lợi ích về môi trường nhờ sử dụng ít tài nguyên đất, nước hơn và an toàn cho người sử dụng so với thịt truyền thống. Sẽ phải mất một thời gian trước khi sản phẩm tới tay đại đa số người dân tuy nhiên những lợi ích mà chúng đem lại là không thể chối cãi.
 

Thanh Tâm (T/h)