Điện hạt nhân

Thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân: Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành

Thứ tư, 9/12/2015 | 14:35 GMT+7
Công tác thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân (ĐHN) đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển ĐHN ở Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan để thực hiện hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền trên.

Tại Hội thảo truyền thông về ĐHN tổ chức ngày 4/12 tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Quang Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) - cho biết: Do lần đầu tiên Việt Nam xây dựng nhà máy ĐHN nên ít có kinh nghiệm nâng cao nhận thức của công chúng về ĐHN. Trong khi đó, tại các nước phát triển khác như Cộng hòa Séc, Phần Lan… phần đông công chúng khi được hỏi, đều ủng hộ việc phát triển ĐHN nhằm đảm bảo nguồn điện cho nhu cầu sử dụng của đất nước.

Theo TS. Tuấn, thông tin tuyên truyền về phát triển ĐHN là một nhiệm vụ quan trọng cần được tiến hành một cách hệ thống, thường xuyên, lâu dài. Đồng thời, hoạt động này phải bảo đảm kịp thời, minh bạch, được tiến hành đồng bộ, phù hợp với tiến độ của Dự án ĐHN Ninh Thuận và các dự án điện hạt nhân tiếp theo.

TS. Trần Quang Tuấn đề xuất, do ĐHN là lĩnh vực khó, nhà báo cũng thiếu thông tin nên cần phải tăng cường tập huấn cho đội ngũ phóng viên viết về ĐHN, trang bị kỹ năng truyền thông cho các chuyên gia ĐHN và đào tạo cán bộ truyền thông chuyên ngành ĐHN… Qua đó, phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền ĐHN từng năm, có thể tiến hành điều tra xã hội về ĐHN, từ đó xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả.

Kể từ khi có kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã phối hợp, tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng từ sớm. Đặc biệt, năm 2011, ngay khi sự cố hạt nhân Fukushima xảy ra, Bộ Khoa học và công nghệ đã thành lập tổ công tác đặc biệt, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí, công chúng về diễn biến tình hình sự cố, an toàn phóng xạ môi trường…

“Trong thời gian tới, công tác này sẽ được đẩy mạnh phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan. Xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện hoạt động thông tin tuyên truyền về phát triển ĐHN tại mỗi cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, việc đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng như xây dựng hình thức tuyên truyền đa dạng về ĐHN sẽ được tăng cường hơn. Đặc biệt Việt Nam sẽ sớm đưa vào hoạt động Trung tâm quan hệ công chúng về ĐHN tại Ninh Thuận”, TS. Hoàng Anh Tuấn  cho biết.

Liên quan đến vấn đề pháp quy hạt nhân, ông Lê Quang Hiệp - Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ Hạt nhân quốc gia (VARANS) - cho hay, để đảm bảo an toàn trong phát triển ĐHN, Việt Nam đã tham khảo văn bản quy phạm pháp luật của Nga, Nhật Bản cũng như tư vấn chuyên gia quốc tế. Việt Nam ban hành 5 tiêu chuẩn riêng về đánh giá địa điểm đối với nguy hiểm động đất, các khía cạnh địa kỹ thuật, khí tượng, các sự kiện bên ngoài ảnh hưởng đến nhà máy điện hạt nhân và đánh giá phát tán chất phóng xạ đối với môi trường nước, không khí tính đến phân bố dân cư.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó giám đốc Ban quản lý Dự án ĐHN Ninh Thuận - cho biết: EVN đang nỗ lực triển khai công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, xây dựng và vận hành hai nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam. EVN và các đơn vị sẽ tích cực thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư đảm bảo theo đúng các quy định, các yếu tố về an toàn kỹ thuật. Mục tiêu cao nhất là đưa ĐHN trở thành nguồn năng lượng an toàn, tin cậy, bổ sung cho công suất nguồn điện của cả nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

PV/Thuỳ Dương