Trong nước

Thủ tướng: Chống virus trì trệ, 6 đề nghị với doanh nghiệp

Thứ bảy, 9/5/2020 | 13:27 GMT+7
Sáng 9/5, Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp

Chống virus trì trệ

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, “Chúng ta thừa nhận rằng Việt Nam còn nhiều nút thắt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn lo nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, hội nghị này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ; không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với các ngành. Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận”

Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu phát biểu của các bộ, ngành hôm nay phải rõ ràng, chất lượng, trọng tâm, đặc biệt là phải nêu rõ được những hỗ trợ, chính sách nào, giải pháp nào mới mẻ đối với doanh nghiệp thay vì chỉ nói toàn chuyện biết rồi và đặc biệt là cán bộ, công chức phải được quản lý để cán bộ, công chức chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.

Do đó, Hội nghị này phải nêu được những giải pháp, những ý tưởng mới, chẳng hạn như về thị trường, kết nối chuỗi giá trị, về một chất keo để dán lại các điểm đứt gãy, về lao động, thuế, phí… Chúng ta đã có gói “đùm bọc” hay “san sẻ” 62.000 tỷ đồng, chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng từ giảm giá điện, nước, viễn thông. Bây giờ là lúc bàn đến chính sách tăng tốc hay chính sách đòn bẩy. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy.

“Chúng tôi đã nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan, tổ chức khác, bộ, ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong doanh nghiệp của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đưa ra 6 lời đề nghị. Một là yêu Tổ quốc, vì làm việc gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ.

“Nhân đây tôi gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với Chính phủ. Trong khó khăn ấy, nhiều tấm gương nhân ái chia sẻ thật là vĩ đại, doanh nghiệp lớn giúp nhiều, doanh nghiệp nhỏ giúp ít, nhiều hộ cá thể sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo trong lúc dịch bệnh”, Thủ tướng nói.

Thứ hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau.

Thứ ba, không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. “Tôi xin nói môi trường kinh doanh của chúng ta dù cũng có những khó khăn và thách thức, do đó đừng cầu không có khó khăn, đừng mong dễ dàng vì dễ dàng thì đã không đến lượt chúng ta”.

Thứ tư là năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội.

Thứ năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau.

Thứ sáu, cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.

Thách thức cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn hiện nay. (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm phát triển doanh nghiệp thời gian tới là: Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.

Định hướng là: Rà soát cắt giảm và không tạo thêm các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho doanh nghiệp. Loại bỏ triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở. Đổi mới mạnh mẽ quan điểm, phương pháp tiếp cận khi xây dựng các chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh theo hướng chọn -bỏ, dễ hiểu,dễ áp dụng, đảm bảo thực thi chính sách một cách thống nhất, kịp thời, có tầm nhìn dài hạn, ổn định, không phân biệt đối xử, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Tăng cường các điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đảm bảo môi trường thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển đồng thời nắm bắt triệt để các cơ hội, thời cơ mới, thu hút dòng đầu tư và các nguồn lực bên ngoài, tạo đà bứt phá cho tăng trưởng kinh tế.

Từ quan điểm, định hướng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất hàng loạt giải pháp phát triển doanh nghiệp, trong đó có: Phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy; xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới. Tập trung kích cầu phát triển thị trường nội địa. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực, khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ chuyển đổi số, kinh tế số. Thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp…

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, năng lực khoa học và công nghệ, biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới, tiếp tục vươn lên phát triển nhanh và bền vững;…

Tuấn Kiệt