Nông nghiệp sạch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mắc ca có thể trở thành cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu"

Thứ ba, 29/9/2020 | 12:24 GMT+7
Sáng ngày 29/9, tại hội nghị về phát triển cây mắc ca diễn ra ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu hàng loạt vấn đề về trồng và tiêu thụ hạt mắc ca.

Được xếp vào nhóm những loại hạt ngon nhất thế giới và có giá trị cao, mắc ca - “nữ hoàng của các loại hạt” được định hướng xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, loại cây này đã giúp nhiều hộ nông dân đổi đời nhờ giá trị kinh tế cao.

Hiện cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16.500 ha, trong đó có 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15.400 ha. Năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).

Sản phẩm mắc ca Việt Nam đã xuất khẩu với sản lượng trên 2.400 tấn sản phẩm sấy/năm tới thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp...

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao các nhà khoa học đã đưa cây mắc ca vào Việt Nam và bước đầu thành công. Cây mắc ca đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nước ta.

Đồng thời, Thủ tướng đặt vấn đề, liệu mắc ca có thể trở thành cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu, là lối ra cho Tây Bắc, Tây Nguyên và một số vùng của Việt Nam không; diện tích trồng bao nhiêu là phù hợp để tránh tình trạng dư thừa; vấn đề được mùa, mất giá...

Cây mắc ca tại Đắk Lắk

Về vấn đề “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa” trong nông nghiệp, Thủ tướng lưu ý thị trường tiêu thụ mắc ca là vấn đề lớn, tiên quyết. Thủ tướng chỉ đạo, khi người nông dân bổ một nhát cuốc xuống đất thì phải nghĩ ngay đến thị trường tiêu thụ thế nào. Đặc biệt việc phát triển thị trường không chỉ quan tâm đến xuất khẩu mà còn phải đẩy mạnh trong thị trường nội địa.

Mặt khác, Thủ tướng đề nghị Hội nghị thảo luận việc xây dựng thương hiệu hạt mắc ca Việt Nam. “Chế biến làm sao, bao bì thế nào, thương hiệu mắc ca Việt Nam làm thế nào để có thị trường… Chúng ta phải đặt vấn đề thương hiệu ngay từ bây giờ chứ không phải là làm mãi không có thương hiệu”, Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề vốn và cơ chế chính sách khuyến khích để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể là vào trồng, chế biến và tổ chức tiêu thụ mắc ca.

Dự báo thời gian tới, cả sản lượng cung và cầu mắc ca trên thế giới đều tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm, đây là cơ sơ quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021 - 2030 và các năm sau đó.

Định hướng trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển cây mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Huyền Dung (T/H)