Năng lượng sạch

Thủ tướng hoan nghênh Bạc Liêu phát triển năng lượng

Thứ năm, 27/2/2020 | 10:30 GMT+7
Chiều ngày (26/2), làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tỉnh triển khai mạnh mẽ các dự án năng lượng, trong đó có dự án Nhiệt điện khí LNG 3.200 MW.

Thủ tướng làm việc với tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: VGP)

Trong năm 2020, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là dự án Nhiệt điện khí LNG 3.200 MW. Hiện nhà đầu tư đang tích cực hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công Dự án, phấn đấu đưa Tổ máy đầu tiên 750 MW phát điện vào đầu năm 2024 và hoàn thành toàn bộ dự án 3.200 MW trong năm 2027.

Tỉnh Bạc Liêu xác định đây là dự án trọng điểm, quan trọng nhất của tỉnh, mang lại nhiều lợi ích, nên đặt quyết tâm cao để Dự án triển khai đúng tiến độ đề ra.

Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được phê duyệt thì tổng công suất tiềm năng của tỉnh là gần 3.000 MW; đồng thời, từ kết quả đo gió của gần 20 trụ đo trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy tốc độ gió của tỉnh Bạc Liêu là tốt, nhất là từ độ cao 100 m trở lên là rất tốt, đặc biệt là càng ra xa bờ sức gió càng mạnh, hoàn toàn đáp ứng khả năng phát điện thương mại trong điều kiện công nghệ về thiết bị turbine đã phát triển cao như hiện nay. Tuy nhiên đến nay, công suất thực tế các dự án điện gió đang được phép triển khai trên địa bàn chỉ có 391,2 MW, tương đương khoảng 15%, tỉ lệ rất thấp. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt bổ sung thêm vào Quy hoạch điện VII Quốc gia đối với các dự án điện gió đã có đầy đủ hồ sơ và tỉnh Bạc Liêu đã trình Bộ Công Thương thẩm định theo quy định, với tổng quy mô công suất xin bổ sung khoảng 1.000 MW đảm bảo phù hợp với khả năng truyền tải hiện nay của lưới điện.

Điện gió là đặc sản của Bạc Liêu. (Ảnh: Zing)

Bạc Liêu cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ tỉnh trong việc tìm kiếm giải pháp công trình, phi công trình giảm sóng, gây bồi từ xa có hiệu quả để phát triển đai rừng phòng hộ, bảo vệ tuyến đê biển và các hạ tầng bên trong. Đồng thời có những đề tài nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng để có giải pháp phòng, chống thích hợp, nhất là trong điều kiện tổng lượng phù sa đổ về trên sông Mekong ngày càng thiếu hụt.

Thủ tướng hoan nghênh tỉnh triển khai mạnh mẽ các dự án năng lượng, trong đó có dự án Nhiệt điện khí LNG 3.200 MW; lưu ý tỉnh làm đúng quy trình, quy định của pháp luật, cẩn trọng, kỹ càng; không để các hợp đồng kinh doanh bảo lãnh đưa Chính phủ, chính quyền Nhà nước ở địa phương vào cam kết kinh tế của doanh nghiệp, dẫn tới kiện tụng, ảnh hưởng đến uy tín đất nước, môi trường đầu tư cũng như các hậu quả khác.

Trước các kiến nghị của tỉnh về lĩnh vực hạ tầng giao thông, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải công bố quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy đối với Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó quan tâm đến vùng khó khăn.

Thủ tướng ủng hộ tỉnh phát triển các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió; cho rằng Bạc Liêu phải quan tâm bảo vệ môi trường để xây dựng một Bạc Liêu xanh, sạch; ủng hộ các dự án ứng phó biến đổi khí hậu của Bạc Liêu.

 

Linh Giang