Năng lượng mặt trời

Thúc đẩy phát triển điện mặt trời

Thứ ba, 1/11/2016 | 14:04 GMT+7
Việc khai thác năng lượng mặt trời để sản xuất điện phục vụ cuộc sống ngày càng trở nên phổ biến và là giải pháp tối ưu góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hiện đã có các doanh nghiệp tiên phong tham gia khai thác thị trường điện mặt trời, tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Ảnh minh họa.

Còn nhiều rào cản
 
Theo các chuyên gia, nước ta chưa có hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành về năng lượng mặt trời nên nguồn nhân lực chuyên môn hoạt động trực tiếp trong ngành kinh doanh điện mặt trời còn thiếu hụt, như: Kỹ sư thiết kế hệ thống, tư vấn kinh doanh, thi công lắp đặt, sửa chữa bảo trì, quản lý vận hành. Để thực hiện các mục tiêu Chính phủ đặt ra, đến 2030, đạt tổng khối lượng 12.000MW điện mặt trời, sẽ cần khoảng 30.000- 40.000 người làm việc trong ngành này.
 
Theo khảo sát của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng bức xạ năng lượng mặt trời trung bình ở Việt Nam dao động từ 4,3 - 5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Thế nhưng, việc khai thác nguồn năng lượng này cho đến thời điểm này là không đáng kể. Hầu hết các dự án điện mặt trời trên cả nước chỉ ở quy mô nhỏ và tập trung chủ yếu vào khai thác nhiệt năng nhằm phục vụ cho hộ gia đình hoặc một số cơ quan. Tốc độ phát triển của thị trường này còn chậm, chưa tận dụng được lợi thế tự nhiên sẵn có của đất nước cũng như phát huy tiềm năng và năng lực của xã hội, trong đó đầu tư tư nhân còn rất hạn chế cả trong nghiên cứu, ứng dụng hay thương mại.
 
Hiện nay, còn nhiều rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách và quá trình thực thi nên các doanh nghiệp tiên phong này sau những bước đầu tư ban đầu đang thật sự gặp khó khăn vì chưa thể mở được “thị trường đầu ra” cho các sản phẩm, dịch vụ.
 
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch nhóm công tác chuyên đề Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng - Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, Nhà nước đã có các chính sách về việc thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, tuy nhiên các chính sách này vẫn chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ và chưa gắn kết, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Theo các chuyên gia, hiện nay, nước ta chưa có hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành về năng lượng mặt trời nên nguồn nhân lực chuyên môn hoạt động trực tiếp trong ngành kinh doanh điện mặt trời còn thiếu hụt. Bên cạnh đó, phần lớn thiết bị, công nghệ đều nhập của nước ngoài khiến chi phí đầu tư ban đầu lớn; một phần do thiếu các cơ chế khuyến khích hữu hiệu phát triển sản xuất các thiết bị ứng dụng, sử dụng điện mặt trời trong nước. Bên cạnh đó, biểu giá điện hiện hành chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, trong khi chi phí đầu tư của điện mặt trời hiện nay còn rất cao.
 
Cần sớm cụ thể hóa chính sách...
 
Trước những thách thức của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời. Ngày 18.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
 
Quyết định 428/QĐ-TTg nêu rõ, cần đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850MW vào năm 2020 và khoảng 12.000MW vào năm 2030. Tuy nhiên, đến nay Bộ Công thương - cơ quan được giao thực hiện vẫn chưa ban hành văn bản cụ thể hóa các cơ chế, chính sách.
 
Để có thể thu hút các nhà đầu tư vào thị trường tiềm năng này, theo TS Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Nhà nước cần bổ sung quy định, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển sản xuất thiết bị điện mặt trời trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để từng bước giảm giá bán điện của dự án điện mặt trời. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, chế tạo pin mặt trời, cũng như nhân lực tư vấn xây dựng nhà máy sản xuất. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng các phương tiện, thiết bị điện mặt trời và định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời.
 
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Nhà nước cần sớm công bố giá mua, bán điện mặt trời hợp lý và cơ chế hòa lưới điện quốc gia cho các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời hiện nay là rất cần thiết. Cụ thể, Chính phủ cần quy định giá mua, bán điện năng lượng mặt trời một cách hợp lý, để hài hòa lợi ích giữa các bên là chủ đầu tư, bên bán điện và EVN, bên mua điện và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh của Chính phủ. 

Theo các chuyên gia, nước ta chưa có hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành về năng lượng mặt trời nên nguồn nhân lực chuyên môn hoạt động trực tiếp trong ngành kinh doanh điện mặt trời còn thiếu hụt, như: Kỹ sư thiết kế hệ thống, tư vấn kinh doanh, thi công lắp đặt, sửa chữa bảo trì, quản lý vận hành. Để thực hiện các mục tiêu Chính phủ đặt ra, đến 2030, đạt tổng khối lượng 12.000MW điện mặt trời, sẽ cần khoảng 30.000- 40.000 người làm việc trong ngành này.

NLSVN