Thuỷ sản ĐBSCL “đau đầu” tìm nguồn năng lượng cho phát triển

Thứ ba, 20/8/2019 | 12:28 GMT+7
Mới đây, tại Chương trình hội nghị thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm Việt Nam diễn ra ở Bạc Liêu, trong báo cáo tham luận "Cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm", Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã chỉ ra hiện trạng và thách thức cung ứng năng lượng của ngành điện miền Nam trong nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Theo số liệu thống kê của EVN SPC, trong giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân điện thương phẩm là 10,8%. Tốc độ tăng thương phẩm của thành phần nông – lâm – thủy sản khu vực miền Nam tăng rất cao (năm 2016 tăng đến 77,29%). Điều này chứng tỏ việc sử dụng điện để phục vụ nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu phục vụ nông nghiệp đã chuyển dịch tăng lên rất nhiều. 

Thống kê điện năng tiêu thụ của các phụ tải nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến năm 2018, điện thương phẩm nuôi tôm là 1044 kWh cao hơn 100kWh so với năm 2017, 372.65 kWh so với năm 2016. Dự tính năm 2019 lượng điện thương phẩm sẽ là 1200 kWh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám đánh giá: “Năm 2017, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, nhất là thiên tai, thời tiết bất lợi và đã dành được thắng lợi toàn diện, đặc biệt là ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD, trong đó có đóng góp to lớn của con tôm nuôi. Nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản là phải đạt 10 tỷ USD xuất khẩu vì vậy, chúng ta phải tập trung, nhằm vào các đối tượng có tiềm năng lợi thế lớn, đầu tiên là con tôm, sau đó là cá tra….”.

Theo kế hoạch, diện tích thả nuôi tôm của Việt Nam có thể mở rộng, đạt 800 ngàn đến 1 triệu ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến nhu cầu con giống thả nuôi năm 2018 là 130 tỷ con, trong đó tôm thẻ chân trắng 100 tỷ con, tôm sú 30 tỷ con. Giải pháp phát triển là tập trung nuôi công nghệ cao, nuôi 2, 3 giai đoạn, để nâng cao năng suất, chất lượng, phấn đấu đạt sản lượng 720.000 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 448.500 tấn, còn lại là tôm sú.

Cần một lượng điện rất lớn để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp oxy cho tôm

Trước hiện trạng đang ngày càng tăng lên về số lượng thủy sản, đặc biệt là tôm, lượng năng lượng điện cần thiết để đáp ứng nhu cầu là rất lớn. Tuy nhiên, việc cung cấp điện trong nuôi tôm cũng gặp nhiều khó khăn do sự tăng trưởng nhanh của phụ tải so với khả năng đầu tư của ngành điện để đáp ứng khả năng truyền tải, phân phối của lưới điện khu vực. 

Cụ thể, đặc thù lưới điện thuộc khu vực điện khí hóa nông thôn trước đây là lưới điện 1 pha tiết diện dây dẫn nhỏ chỉ có khả năng cấp điện cho nhu cầu ánh sáng sinh hoạt, chưa thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng điện 3 pha để sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản. Việc sử dụng kết hợp nuôi tôm với công suất lớn gây mất cân bằng phụ tải làm gia tăng tổn thất điện năng và không đảm bảo điều kiện vận hành.

Đa số các hộ nuôi tôm đang sử dụng chính nguồn điện thắp sáng để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp oxy cho tôm, đồng thời còn sử dụng các thiết bị như motor, cánh quạt, trục quay có hiệu suất thấp, tiêu thụ điện năng cao dẫn đến quá tải lưới điện khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp điện.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD bank) trong Dự án tài trợ điện mặt trời tại Việt Nam, năng lượng cho khâu bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, quan trắc môi trường và các hoạt động khác tiêu tốn khoảng 50 - 200 triệu đồng tiền điện/ha/vụ (chiếm khoảng 10 - 20% chi phí đầu tư). Do đó, việc áp dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản/ngành tôm một cách bền vững và bảo vệ môi trường là xu thế hiện nay.
 

Thanh Tâm