Đời sống, xã hội

Triển khai Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc

Thứ hai, 9/12/2019 | 12:23 GMT+7
Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức được vận hành vào ngày 9/12, cung cấp trước hết 9 loại dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc, trong đó có đổi giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, cấp giấy khai sinh…

Dễ dàng thao tác đổi các loại giấy tờ... trên mạng

Tại họp báo thông tin về khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Cổng dịch vụ công quốc gia khi đi vào vận hành sẽ cung cấp trước mắt 9 loại dịch vụ, triển khai trên phạm vi cả nước.

Theo đó, có 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: đổi giấy phép lái xe (GPLX); thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

Cùng với đó là 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ gồm: cấp GPLX quốc tế; đăng ký khuyến mãi; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, hệ thống khu vực TPHCM còn tích hợp thêm dịch vụ đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; TP Hà Nội, TP Hải Phòng và Quảng Ninh cung cấp thêm dịch vụ đăng ký khai sinh…

Ông Mai Tiến Dũng chia sẻ tại họp báo thông tin về khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia ngày 7/12

Người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào địa chỉ dichvucong.gov.vn, sử dụng một tài khoản duy nhất là có thể đăng nhập và thực hiện được tất cả các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Nhờ vậy, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp sẽ không còn phụ thuộc vào thời gian và địa giới hành chính.

Được biết, Cổng dịch vụ công quốc gia được vận hành trên hệ thống công nghệ VnConect do Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát triển theo yêu cầu Thủ tướng Chính phủ giao (tại quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/03/2019). Tập đoàn VNPT đã bố trí hệ thống hiện đại thực hiện công tác giám sát 24/7, cùng huy động nguồn lực là các chuyên gia về an toàn thông tin túc trực trong việc giám sát đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống.

Tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng

Theo thống kê mới được công bố của Văn phòng Chính phủ, năm 2018, cả nước có 965.000 hồ sơ cấp đổi GPLX trong nước, thêm 7.000 bộ hồ sơ xin cấp GPLX quốc tế; trên 2 triệu bộ hồ sơ đăng ký khuyến mại; 2,6 triệu hồ sơ cấp đổi thẻ BHYT; 4.800 trẻ được sinh ra mỗi ngày cần làm thủ tục đăng ký khai sinh…

Như vậy, khi Cổng dịch vụ quốc gia đi vào hoạt động, việc thực hiện các thủ tục này sẽ được thực hiện trực tuyến thay vì phải đến các cơ quan nhà nước để làm thủ tục như hiện nay. Nhờ đó, đề án này giúp tiết kiệm khoảng 4.222 tỉ đồng/năm. Con số này còn tăng hơn nữa khi số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia tiếp tục tăng lên.

Cổng Dịch vụ công quốc gia

Cụ thể, theo tính toán của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với thủ tục đổi GPLX, tổng chi phí tối thiểu tiết kiệm được là hơn 740 tỉ đồng. Trong đó giảm tải được chi phí đi lại về địa phương nơi cấp giấy phép lái xe để nộp hồ sơ, chụp ảnh, nhận kết quả và giảm chi phí chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ.

Hơn nữa, trong quý II/2020, khi thực hiện dịch vụ công mức độ 4, các cá nhân sẽ được thực hiện và giải quyết hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng, do đó sẽ tiết kiệm được tối thiểu 1,5 ngày làm việc, với số tiền tiết kiệm được khoảng 323,9 tỉ đồng. Đồng nghĩa với tổng chi phí tối thiểu tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 1.064 tỉ đồng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kỳ vọng, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ giúp cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên Hợp Quốc.

Thanh Trúc (t/h)