Triển khai lưới điện thông minh ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn

Thứ bảy, 23/11/2019 | 14:17 GMT+7
Với ưu điểm về tối ưu hóa công tác quản lý, đa dạng các nguồn phát điện, nâng cao hiệu quả sử dụng và đảm bảo chất lượng điện năng, lưới điện thông minh nhận được sự quan tâm lớn ở Việt Nam nhưng lại gặp khó khăn trong quá trình áp dụng vào thực tế.

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo tham vấn tổng kết: Đánh giá và đề xuất khung pháp lý cho ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả cho Việt Nam. Trong khuôn khổ hội thảo, ông Weber Frieden, chuyên gia tư vấn quốc tế Viện Công nghệ Áo đã chỉ ra tầm quan trọng của việc vận hành hệ thống lưới điện thông minh trong tương lai, đồng thời nêu lên những thách thức, bất cập đối với thực tế Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ mới này.

Được áp dụng thành công ở các quốc gia phát triển trên thế giới, lưới điện thông minh có khả năng tích hợp trạng thái và hoạt động của tất cả người dùng, bao gồm: đơn vị phát điện, người sử dụng điện, đơn vị tự sản xuất và tiêu thụ điện nhằm đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, chất lượng điện năng cao, bảo đảm an ninh và an toàn cấp điện.

Mô hình lưới điện thông minh đã được áp dụng thành công ở một số quốc gia trên thế giới

Nắm bắt được những hiệu quả mà mạng lưới điện này mang lại, Bộ Công Thương đã có những chính sách về cơ chế hỗ trợ tài chính cho năng lượng tái tạo; các mục tiêu trung, dài hạn trong Chương trình Quản lý Nhu cầu điện quốc gia (DSM), Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện quốc gia (DR)… để dần chuyển đổi lưới điện truyền thống sang lưới điện thông minh. Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chí về an ninh và hiệu quả vận hành, hiệu suất về chi phí, trao quyền cho người tiêu dùng, phát triển bền vững thì mục tiêu này vẫn còn là một thách thức lớn đòi hỏi sự nghiên cứu và tham vấn mạnh mẽ từ các bên liên quan.

Cụ thể, hệ thống lưới điện Việt Nam vẫn còn mang tính truyền thống, tập trung: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là nhà cung cấp và phân phối độc quyền; cơ chế thị trường điện chưa hoàn chỉnh; tăng nhanh việc lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định; phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch; khả năng thiếu hụt tài nguyên để đáp ứng nhu cầu năng lượng và yêu cầu cơ sở hạ tầng trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Weber Frieden cũng chỉ ra một số lỗ hổng trong việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện ở Việt Nam. Về dịch vụ phụ trợ, Việt Nam chỉ công nhận các đơn vị phát điện truyền thống quy mô lớn là nhà cung cấp, do vậy, tình trạng tắc nghẽn, quá tải hệ thống truyền tải điện là điều tất yếu xảy ra. Chuyên gia tư vấn người Áo cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc trao quyền bán và phân phối nguồn điện từ năng lượng tái tạo cho doanh nghiệp tư nhân.

Về cơ chế khuyến khích, cho đến nay, thỏa thuận mua bán điện (PPA) chỉ được ký với EVN và là cơ chế tài chính duy nhất sẵn có ở Việt Nam. Các cơ quan quản lý cũng chưa có biện pháp hiệu quả để khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn tham gia vào thị trường điện, do còn vướng mắc về giá điện và việc phân bổ nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, khung pháp lý cho điều chỉnh phụ tải điện còn nhiều thiếu sót, thiếu cơ chế đánh giá tính hiệu quả của các chương trình DR và DSM.

Ông Weber Frieden, chuyên gia tư vấn Viện Công nghệ Áo trình bày kinh nghiệm quốc tế và đưa ra một số hướng giải quyết cho việc lắp đặt hệ thống lưới điện thông minh ở Việt Nam

Cũng trong hội thảo, đại diện Viện Công nghệ Áo đã tham vấn cho Việt Nam một số biện pháp giúp khắc phục những thách thức, khó khăn trên. Theo ông, vấn đề chính sách luôn cần được giải quyết trước tiên. Chính phủ Việt Nam nên ưu tiên thành lập Ban chuyên trách/Ủy ban giám sát về lưới điện thông minh, cũng như thành lập một “thung lũng năng lượng” để thử nghiệm các công nghệ mới và các cách tiếp cận quản lý mới. Đồng thời, Bộ Công Thương cần có một số quy định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lưới điện thông minh và hợp tác quốc tế.

Trong những đề xuất của mình, ông Weber Frieden đặc biệt nhấn mạnh đến xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo. Năng lượng xanh, thân thiện với môi trường là hướng phát triển bền vững của toàn nhân loại. Do đó, các bộ, ban, ngành cần đưa ra các quy định, biện pháp khuyến khích sử dụng, phân phối nguồn năng lượng tái tạo; cho phép nguồn năng lượng mới tham gia vào thị trường điện bán buôn và cung cấp các dịch vụ phụ trợ.

“Để đạt được các mục tiêu đề ra và đảm bảo mức độ sẵn sàng cao cho bước chuyển tiếp trong tương lai, Việt Nam cần áp dụng một nhóm các biện pháp phức tạp bao gồm tích hợp năng lượng tái tạo, công nghệ năng lượng thông minh và các mạng lưới”, ông Weber Frieden nhấn mạnh.

Gia Linh