Năng lượng tái tạo

Trung Quốc nâng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo

Thứ ba, 2/10/2018 | 09:26 GMT+7
Mới đây, Trung Quốc vừa điều chỉnh lại mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo để tiến nhanh hơn trong lộ trình này, với thay đổi lớn nhất nằm ở mục tiêu đạt ít nhất 35% năng lượng tiêu thụ vào năm 2030 phải là năng lượng tái tạo.

Đây là con số hết sức tham vọng so với mục tiêu chỉ chuyển sang sử dụng 20% năng lượng “phi hóa thạch” vào năm 2030 đã đề ra trước đó.

Kế hoạch mới, với tên gọi Tiêu chuẩn danh mục tái tạo (Renewable Portfolio Standard) chính là để giải quyết tình trạng ô nhiễm đang bùng nổ tại quốc gia đông dân nhất thế giới thông qua việc giảm thiểu sử dụng than đá. Bắc Kinh cũng nâng khung quy định cho các địa phương và yêu cầu các doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn phải đóng thêm chi phí. Những khoản tài chính này sẽ được sử dụng cho các dự án năng lượng tái tạo của chính phủ. Trong năm 2015, Trung Quốc đã chi khoảng 103 tỷ USD cho các dự án dạng này, chiếm tới 36% tổng mức đầu tư của thế giới.

Là một quốc gia luôn đòi hỏi nhiều năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển, việc nâng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo của Trung Quốc là một bước đi đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những con số Bắc Kinh đề ra vẫn khá khiêm tốn so với mặt bằng chung của thế giới. Hiện nay, Liên minh châu Âu đang ấn định mục tiêu sử dụng 40% năng lượng tái tạo vào năm 2030, tức là tương đương với phần lớn mục tiêu mà các bang của Mỹ đề ra (dù quốc gia này chưa đề ra bất cứ quy định nào ở quy mô toàn quốc). Thậm chí, bang California (Mỹ) còn đang nhắm tới mốc 50%.

Đối với Trung Quốc, vốn đã tạo được thế mạnh trong việc sản xuất năng lượng tái tạo, việc nâng tỉ lệ sử dụng loại năng lượng mới cũng giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm nhu cầu và sự lệ thuộc đối với hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ các quốc gia khác trên thế giới.

Đình Tú